Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ dân tộc thiểu số đó là phong tục văn hóa và đời sống làm nương rẫy. Nhiều phụ nữ tham gia buổi truyền thông cho biết, đa số các chị đều làm nông nên chưa có điều kiện và thói quen đi khám thai định kỳ.
Buổi truyền thông giúp chị em hiểu khái niệm làm mẹ an toàn, đó là phụ nữ khi mang thai phải được chăm sóc để khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, khi sinh đẻ và sau đẻ. Theo đó, các bà mẹ trong thời gian mang thai cần đến trạm y tế khám thai định kỳ, sử dụng sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ-trẻ em để biết cách chăm sóc, theo dõi quá trình mang thai.
80 phụ nữ dân tộc thiểu số trong độ tuổi sinh đẻ được trang bị kiến thức về làm mẹ an toàn. Ảnh: Minh Châu |
Các bà mẹ cũng cần tiêm phòng, bổ sung các vi chất cần thiết, dinh dưỡng đầy đủ và tránh xa các tác nhân có hại như thuốc lá, cà phê…Nhất là không được sinh con tại nhà mà cần đến các cơ sở y tế để giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Buổi truyền thông cũng giúp phụ nữ nhận thức về việc bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết ra khỏi cộng đồng để bảo vệ sức khỏe sinh sản cho người phụ nữ.
Đây là hoạt động thuộc Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện. Thông qua các hoạt động góp phần nâng cao ý thức, kiến thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp các chị bảo vệ sức khỏe cho bản thân để làm mẹ an toàn.