Kinh tế

Giá cả thị trường

80% xuất khẩu thô, cà phê Việt rớt giá thê thảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thời gian vừa qua, giá cà phê liên tục xuống thấp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) và người trồng cà phê lao đao. Trong khi đó, dự báo giá cà phê từ nay đến cuối năm khó nhích lên được thêm do thị trường nguồn cung lớn.
 
80% cà phê Việt Nam xuất khẩu thô (Ảnh minh họa )
Sản lượng lớn, giá trị lại thấp
Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, lũy kế xuất khẩu (XK) 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 943.000 tấn và 1,6 tỷ USD, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường cà phê trong nước cũng biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá cà phê trong nước giảm 500 - 800 đồng/kg. Có thời điểm, giá giảm đến gần 1.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), do cà phê Việt Nam sản xuất chủ yếu phục vụ XK, nên tình hình giao dịch trên sàn kỳ hạn có ảnh hưởng rất lớn đến giá cà phê trong nước. Có thời điểm đầu tháng 5, giá cà phê tụt xuống chỉ còn khoảng 29.000 đồng/kg khiến nông dân trồng cà phê thua lỗ nặng.
Hiện, nguồn cung cà phê trong nước đã cạn kiệt và người dân không muốn bán với mức giá dưới 35.000 đồng/kg, giao dịch khá trầm lắng, ngoại trừ các hợp đồng XK đã được ký kết từ trước đó.
Báo cáo từ Bộ Công Thương, Việt Nam là nước XK cà phê lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc với khối lượng lên tới 11.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2019. Song, tại xứ sở kim chi, giá cà phê Việt XK chỉ đạt 1,8 USD/kg, thấp bằng một nửa giá cà phê nước này nhập khẩu. Trong khi Brazil là nước đứng thứ 2 về khối lượng với gần 10.600 tấn vào Hàn Quốc, nhưng giá XK đạt 2,6 USD/kg, còn cà phê Colombia đứng thứ 3 với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2 USD/kg. Riêng Mỹ, mới chỉ XK vào Hàn Quốc khoảng 3.000 tấn cà phê, nhưng giá XK đạt mức gần 11 USD/kg.
Theo các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, cà phê Việt Nam vốn được coi là thế mạnh tỷ đô, đứng Top 2 thế giới, nhưng giá XK lại thấp nhất so với các nước bởi Việt Nam chủ yếu xuất thô cà phê (80% lượng cà phê XK đều là hàng thô). Cùng với đó, nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn các tạp chất... dẫn đến chất lượng cà phê còn thấp. Điều này khiến giá trị của cà phê Việt Nam bị lép vế hoàn toàn so với nhiều quốc gia khác cùng XK mặt hàng này.
Giải pháp nào?
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Nam Hải (Phó Chủ tịch thường trực VICOFA, Tổng giám đốc Công ty CP Giám định chất lượng cà phê và hàng hóa Xuất nhập khẩu - Cafecontrol) cho biết, ngành cà phê Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, giá xuống thấp, các DN và cả người trồng cà phê đều lỗ. 
Theo ông Hải, tới đây, giá cà phê khó có thể nhích lên nhiều vì một số lý do chính. Trước hết, Brazil, quốc gia XK cà phê hàng đầu thế giới đang ở thời điểm thu hoạch xong và bán ra với số lượng lớn. Hai là đối với Việt Nam đang là thời điểm cuối vụ, trong khi vụ mới cuối tháng 11, đầu tháng 12. Ông Hải cung cấp thêm, dù lượng cà phê trong dân còn nhưng do giá quá thấp nên người dân trữ lại không bán ra.
Trước những khó khăn mà ngành cà phê đang gặp phải, ông Hải cho biết, Hiệp hội đã kiến nghị lên Thủ tướng và Bộ NN&PTNN tìm giải pháp tháo gỡ. “Trong giai đoạn này, người trồng cà phê khó khăn nhưng không thể nào bằng các DN được. Chúng tôi đã kiến nghị về việc hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng cho các DN, đồng thời cấp vốn để mua cà phê trong dân khi được giá, đảm bảo nguồn cung, thực hiện các hợp đồng mới và tìm kiếm thị trường mới”- Ông Hải cho hay.
Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam hiện chủ yếu sản xuất, XK cà phê nhân, không đem lại giá trị gia tăng cao. Thế giới biết Việt Nam XK cà phê, song thực tế không biết cà phê Việt Nam như thế nào. Một số nhãn hàng như Trung Nguyên, Nguyên Trang… đã tự đem cà phê XK tới các thị trường quốc tế, song hầu hết thị trường này cũng không mang tầm cạnh tranh đẳng cấp toàn cầu, thậm chí cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký VICOFA cho rằng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định của ngành cà phê, tránh phụ thuộc quá nhiều vào biến động giá cả từ thị trường thế giới, mấu chốt vẫn là cần đẩy mạnh hơn nữa khâu chế biến cà phê, XK cà phê rang xay thay vì chủ yếu XK cà phê thô như hiện tại. Đặc biệt, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả cho cà phê Việt Nam.
Trước việc Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA) đại diện VICOFA đánh giá đây là yếu tố vừa có lợi, vừa có mặt khó khăn bởi ngành cà phê Việt Nam đã XK nhiều năm nay, có chỗ đứng trên thị trường thế giới nhưng cần phải thay đổi cách làm, cách chế biến XK. Nếu làm được điều này, các FTA sẽ hỗ trợ rất nhiều, cả DN và người trồng cà phê đều được lợi. Nhưng nếu vẫn XK thô như hiện nay, phụ thuộc thị trường, ngành cà phê Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn bởi các quốc gia khác cùng XK ngành hàng này.
Ngọc Trìu (PLVN)

Có thể bạn quan tâm