Bộ Xây dựng cho biết trong quý IV/2020, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,5% so với năm 2019...
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Nguyên Linh/TTXVN) |
Theo thông tin mới nhất vừa được Bộ Xây dựng công bố, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2020, ngành bất động sản có 978 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15,5% so với năm 2019; số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch vào khoảng gần 9.000 căn.
Doanh nghiệp thành lập mới giảm, dư nợ tín dụng tăng
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong quý IV/2020, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp để tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động bàn giao sản phẩm, chuyển nhượng cổ phần dự án, thanh lý tài sản cùng sự trỗi dậy bất động sản công nghiệp đã giúp một loạt doanh nghiệp bất động sản có thể ghi nhận lợi nhuận tốt hơn...
Thống kê gần 80 doanh nghiệp bất động sản lớn đang giao dịch cổ phiếu trên sàn cho thấy với số liệu kinh doanh khả quan các tháng cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp báo cáo hoặc dự kiến đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra.
Thị trường bất động sản cả nước trong quý IV/2020 cũng đã tăng mạnh so với đáy suy giảm nhờ sự phục hồi nhanh của phân khúc nhà ở và khu công nghiệp, qua đó giúp ngành vẫn duy trì được tăng trưởng dương cả năm 2020, nhất là trong bối toàn nền kinh tế chịu tổn thương của dịch COVID- 19.
Minh chứng là ngành kinh doanh bất động sản đã đóng góp khoảng 4,42% GDP.
Trong năm 2020, ngành bất động sản cũng có sự thanh lọc, với việc nâng cao năng lực và tăng khả năng thích nghi của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới là 6.694 doanh nghiệp, giảm 15,5% so với năm 2019; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 978 doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2020 có xu hướng tăng lên theo từng quý. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng bất động sản là hơn 8.300 tỷ đồng; đến hết tháng Sáu, dư nợ tín dụng bất động sản tăng lên gần 8.500 tỷ đồng; đến tháng Chín tiếp tục tăng lên gần 8.600 tỷ đồng.
Đến ngày 31/12/2020, dư nợ tín dụng bất động sản tăng lên hơn 8.800 tỷ đồng.
Lý giải về việc này, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng việc dư nợ tín dụng bất động sản giảm ở quý I là do đây là khoảng thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nhất. Trong quý III, dư nợ bất động sản tăng 4,3% so với quý II; quý IV tăng 4,53% so với quý III, điều này cho thấy tốc độ tăng về dư nợ đã ổn định hơn trong quý III, IV/2020.
“Ngoài việc nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, thị trường bất động sản trong năm 2020 vẫn có sự thu hút các nguồn vốn khác như vốn đầu tư cá nhân, kiều hối gửi về và vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết, vốn FDI,” đại diện Bộ Xây dựng thông tin.
Bất động sản công nghiệp được coi là điểm sáng trong năm 2021. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Tuy vậy, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm vì đại dịch, việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể, tính đến 20/12/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75,04% so với cùng kỳ năm 2019.
Tồn kho nhà ở gần 9.000 căn
Về nguồn cung bất động sản và lượng giao dịch bất động sản, đại diện Bộ Xây dựng cho biết tính đến hết quý 1/2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính vào khoảng gần 13.000 căn.
Trong quý II và quý III, do tác động ảnh hưởng tiêu cực của tình hình đại dịch COVID-19 cũng như các khó khăn vướng mắc của cơ chế, chính sách… đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ triển khai các dự án, do đó nguồn cung bất động sản trong giai đoạn này không có sự gia tăng đáng kể.
Mặt khác trong thời gian này, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn tốt, được cho là an toàn và lượng giao dịch vẫn khá tốt. Vì vậy số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch tính đến hết quý III/2020 ước tính vào khoảng gần 6.000 căn.
Sang quý IV, thị trường được bổ sung thêm ước tính khoảng gần 30.000 căn; lượng giao dịch trong quý IV vẫn khá ổn định. Do đó, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch riêng trong quý IV/2020 ước tính khoảng gần 3.000 căn.
Tuy vậy, tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn. Trong đó, các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là các địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Dương,...
Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như Cần thơ, Long An, Đồng Nai,… cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định của thị trường bất động sản, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.
Từ những thách thức cùng với những tín hiệu, xu hướng tích cực của thị trường và toàn nền kinh tế trong quý IV, đại diện Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, để từng bước đứng vững, phục hồi.
Đặc biệt trong thời gian tới, bất động sản công nghiệp có thể coi là điểm sáng của thị trường bất động sản bởi nhiều nguyên do như: Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam…
“Với những dấu hiệu, kết quả tích cực nêu trên sẽ là cơ sở, động lực tốt cho thị trường bất động sản năm 2021 tiếp tục phát triển ổn định,” đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Hùng Võ (Vietnam+)