Cứ mỗi lần đến kỳ phun xịt thuốc phòng sâu bệnh cho lúa, việc tìm kiếm nhân công rất khó khăn, vì thế một thanh niên đã đầu tư thiết bị máy bay không người lái vào công việc ruộng đồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Cả gia đình ủng hộ
Anh Nguyễn Tấn Phát (22 tuổi), ngụ xã Vĩnh Thành, H.Châu Thành, An Giang là thanh niên đầu tiên ở xã sử dụng máy bay không người lái trong phòng trừ sâu bệnh trên ruộng lúa, mang lại hiệu quả cao so với cách phun truyền thống.
Anh Phát kể nhà có hơn 11 ha lúa, mỗi năm canh tác 3 vụ. Cứ mỗi lần đến kỳ phun xịt thuốc phòng sâu bệnh, việc tìm kiếm nhân công rất khó khăn, chi phí thuê cũng khá đắt.
Việc sử dụng máy bay không người lái đã mang lại nhiều tiện ích cho gia đình anh Phát. Ảnh: An Thơ |
Ngoài ra, khi phun xịt, nhân công phải lội ruộng nên giẫm đạp lên lúa khiến sản lượng bị hao hụt. Rồi nhiều bao bì, thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi trên đồng ruộng dễ làm ô nhiễm môi trường. Thực tế trên khiến anh Phát suy nghĩ tìm cách khắc phục. Do có hiểu biết về máy bay điều khiển từ xa nên anh bàn với gia đình đầu tư thiết bị hiện đại này với giá 200 triệu đồng, rồi sử dụng trong việc làm ruộng để có thể chủ động, linh hoạt trong sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Gia đình anh đều ủng hộ quyết định này.
Thiết bị bay này có trọng lượng trên 21,5 kg; độ rộng vòi phun 4,5 m, tốc độ bay khoảng 20 km/giờ; công suất làm việc từ 3,5 - 4 ha/giờ. Việc sử dụng thiết bị hiện đại này đã giúp anh Phát tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, rút ngắn thời gian phun xịt thuốc, tiết kiệm được 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật so với phun xịt thông thường. Ngoài ra không còn tình trạng hao hụt sản lượng lúa do bị giẫm đạp, đồng thời năng suất và chất lượng lúa tốt hơn so với những vụ trước.
Anh Phát chia sẻ: “Sử dụng máy bay không người lái bảo đảm sức khỏe cho bà con nông dân, lại giảm ô nhiễm môi trường, cũng như giảm hư hại lúa do bị giẫm đạp, trung bình theo ước tính lên tới khoảng 150 - 200 kg/ha. Phun thuốc bằng máy bay không người lái mịn hơn cách phun truyền thống, tránh được tình trạng thuốc rơi xuống mặt đất, hạn chế lãng phí thuốc, giúp cây lúa mau thấm thuốc”.
Anh Phát chuẩn bị cho máy bay không người lái phun thuốc nông nghiệp trên ruộng lúa nhà mình |
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
Thấy việc chăm sóc lúa bằng máy bay không người lái mang lại hiệu quả cao, anh Phát tiếp tục sử dụng trên 40 ha ruộng lúa của bà con thân tộc và cách làm này của anh được địa phương đánh giá cao.
Anh Nguyễn Văn Trọng, Bí thư Xã đoàn Vĩnh Thành, cho biết: “Đặc thù của xã 90% là nông nghiệp, trong đó bà con trồng lúa là chính. Mô hình phun thuốc bằng máy bay không người lái của anh Phát là mô hình đầu tiên thanh niên ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của xã, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nên chúng tôi sẽ nhân rộng trong toàn xã”.
Tôi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật này cho bất kỳ ai để có thể cùng nhau áp dụng trên đồng ruộng của mình, giúp sản xuất nông nghiệp quê hương phát triển.
NGUYỄN TẤN PHÁT, Ngụ xã Vĩnh Thành, H.Châu Thành, An Giang
|
Anh Phát sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cho những ai có nhu cầu, nhằm giúp bà con thay đổi thói quen canh tác, nâng cao năng suất, cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân, góp phần bảo vệ môi trường.
“Tôi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật này cho bất kỳ ai để có thể cùng nhau áp dụng trên đồng ruộng của mình, giúp sản xuất nông nghiệp quê hương phát triển”, anh Phát nói.
Anh Trương Thành Trung, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành, cho biết: “Thời gian tới Huyện đoàn sẽ nhân rộng mô hình này đến các bạn thanh niên cũng như những câu lạc bộ sản xuất có điều kiện áp dụng. Ngoài ra, Huyện đoàn sẽ hỗ trợ vốn cho các bạn, cũng như liên kết các lớp tập huấn để các bạn có điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ nói chung, mô hình này nói riêng, để áp dụng vào sản xuất”.
Theo An Thơ (TNO)