Kinh tế

Agribank Chư Sê: Đẩy mạnh đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp-nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có thể khẳng định rằng, tất cả tăng trưởng tín dụng của Agribank Chư Sê đều tập trung chủ yếu ở kinh tế nông nghiệp-nông thôn. Đây cũng là khu vực giàu tiềm lực và sức hấp thu vốn tốt nhất khi tổng dư nợ đã gần đạt mức 460 tỷ đồng ở cuối quý III-2015, tỷ trọng khách hàng là hộ gia đình, cá nhân chiếm hơn 90% và đa phần có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, bền vững nên thực hiện rất tốt nghĩa vụ trả lãi-trả vốn cho ngân hàng, do đó tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,1%/tổng dư nợ.

Từ kết quả này cho thấy hoạt động kinh doanh của Agribank Chư Sê đã đi đúng định hướng, đúng trọng tâm. Trong thời điểm hiện nay, khi sức hút từ thị trường nông nghiệp-nông thôn chưa bao giờ giảm nhiệt, mức độ cạnh tranh thị phần giữa các ngân hàng thương mại gia tăng thì việc Agribank tích cực đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư đa canh hoặc tiếp tục mở rộng quy mô, diện tích vườn cây là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là mô hình trang trại chuyên canh nông sản theo tiêu chuẩn sinh thái bền vững, hiện đại đang thu hút nhiều hộ gia đình tham gia.

 

Ảnh: Sơn Ca
Ảnh: Sơn Ca

Điển hình trong số mô hình trang trại chuyên canh nông sản theo tiêu chuẩn sinh thái, bền vững là trang trại chuyên canh hồ tiêu của gia đình ông Đào Tấn Tình (làng U, xã Kông Htok). Đây cũng là một “bạn hàng ruột” của Agribank Chư Sê từ thuở khởi nghiệp gian nan cho đến lúc thành công rực rỡ như hôm nay. Qua mười mấy năm gắn bó với cây tiêu, gia đình ông Tình đã gầy dựng nên 2 vườn tiêu rộng lớn với hơn 40.000 trụ, trong đó có 10 ha tiêu kinh doanh tại xã Kông Htok và 15 ha tiêu ở xã Chư Pơng đang được đầu tư kiến thiết cơ bản. Cũng là giống tiêu Vĩnh Linh được trồng trên cá thể sống nhưng bằng kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc bài bản nên mỗi trụ tiêu đều xanh tốt, sum suê trái khi đến kỳ, bình quân thu về 7 kg mỗi cây.

Và với mỗi ha tiêu kinh doanh cho năng suất 8 tấn/ha, đặc biệt ở giai đoạn vườn tiêu phát triển tốt nhất đã cho năng suất lên đến 15 tấn/ha. Nói về mối thâm tình với Agribank Chư Sê, ông Tình cho biết: Từ năm 2003 đến nay, tôi chỉ giao dịch làm ăn với Agribank. Là một khách hàng cá nhân với mức vay ban đầu chỉ gói gọn 15 triệu đồng để đầu tư cho vườn tiêu nhỏ, đến hôm nay tôi đang vay ngân hàng 7 tỷ đồng để đầu tư cho trang trại mới. Với tôi, Agribank Chư Sê thực sự là bạn đồng hành của nông dân. Mỗi khi chúng tôi cần vốn đầu tư, ngân hàng đã luôn đáp ứng một cách nhanh nhất và với mức lãi suất ổn định nhất có thể.

Trong giai đoạn hiện nay, việc cạnh tranh giữ vững thị phần ảnh hưởng là yếu tố vô cùng quan trọng, đòi hỏi sự phấn đấu nỗ lực từ mỗi cá nhân cũng như tập thể Agribank Chư Sê. Từ nay đến cuối năm, đơn vị đang tập trung phấn đấu đạt chỉ tiêu huy động 380 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đạt mức 500 tỷ đồng (tăng 23% so với đầu năm), tổng thu dịch vụ đạt 2,6 tỷ đồng. Để đạt những chỉ tiêu này, bà Nguyễn Thị Hoài-Phó Giám đốc Agribank Chư Sê nhấn mạnh: Giai đoạn cuối năm, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư tín dụng, chủ động mở rộng thị trường nhất là ưu tiên cho nông nghiệp-nông thôn. Để thu hút khách hàng, Agribank tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng có đủ điều kiện, điều hành lãi suất cho vay đảm bảo hài hòa cũng như kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Ở mảng dịch vụ, tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, phát huy thế mạnh về công nghệ để bán chéo các sản phẩm dịch vụ, tiện ích như: bảo hiểm bảo an tín dụng, mobile banking, thu hộ tiền điện...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm