(GLO)- Từ năm 2005 đến nay diện tích rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa cai quản liên tục sụt giảm, hơn 4.000 ha đã bị chuyển trái phép sang trồng cây nông nghiệp. Trong số này có 1.500 ha rừng trữ lượng gỗ bình quân hơn 100 m3/ha lãnh đạo Ban này giao trái phép cho nhiều hộ rồi biến chúng thành nương mía…
Rừng thành rẫy mía
Năm 2005 Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa lập phương án giao khoán rừng có hưởng lợi theo QĐ 187/2001/QĐ-TTg, địa điểm là các tiểu khu 1146-1148-1149-1152-1154-1156 thuộc xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai. Theo hồ sơ khảo sát của Công ty cổ phần tư vấn Nông lâm nghiệp Gia Lai lập, 1.500 ha rừng này thuộc đối tượng rừng sản xuất. Thảm thực vật rừng với các loài cây chiếm ưu thế: Dầu, cà chít, chiêu liêu, căm xe, sến mủ, cẩm liên… toàn là gỗ quý hiếm; trong đó rừng IIB có 154 ha, rừng IIIA1 có 1.201 ha, rừng IIIA2 là 125 ha còn lại 19 ha rừng IVC, trữ lượng gỗ bình quân lên đến 101 m3/ha.
Rẫy mía tại tiểu khu 1149 của Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Ayun Pa. Ảnh: Huỳnh Kiên |
Theo phương án giao khoán, rừng này sẽ được giao cho 51 hộ nhận chăm sóc bảo vệ rừng, trồng xen các loại cây khác như xoan, đào lộn hột, cây lấy gỗ, măng tre… và thu hoạch lâm sản dưới tán rừng. Mục đích là bảo vệ phát triển rừng và tăng thu nhập cho người dân.
Thế nhưng khi phương án này chưa được UBND tỉnh Gia Lai cho phép triển khai thì ông Trần Đình Thanh-Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa đã chia hết rừng giao cho các hộ. Nhiều hộ còn được ông Thanh cấp “bìa xanh” giao đất rừng 50 năm. Có được “bảo bối” do Ban QLRPH Ayun Pa giao bất hợp pháp cho, người dân thay vì bảo vệ phát triển rừng như mục đích tốt đẹp ban đầu đã đua nhau phá rừng làm rẫy, trồng các loại cây nông nghiệp, chủ yếu là cây mía. Toàn bộ lượng gỗ hàng trăm ngàn mét khối được khai thác tiêu thụ trái phép như thế nào không ai hay biết.
Không chỉ dừng ở diện tích 1.500 ha giao cho 51 hộ, mấy năm nay diện tích rừng của BQL RPH Ayun Pa mất đi một cách đáng ngạc nhiên. Nếu năm 2005 trong 19.366 ha rừng tự nhiên do Ban này quản lý có 16.275 ha đất có rừng, thì đến đầu năm 2012 này đất có rừng chỉ còn 10.881 ha đất; sản xuất nông nghiệp tăng bất hợp pháp từ 1.002 ha năm 2005 lên 5.400 ha năm 2012.
Làm ngơ trước nạn phá rừng
Năm 2009 ông Trần Đình Thanh nghỉ làm Trưởng BQLRPH Ayun Pa giao lại cho người khác, đến nay Trưởng ban là ông Nguyễn Hồng Sơn. Tuy nhiên làm việc với chúng tôi về thực trạng rừng do Ban này quản lý, vì sao hàng nghìn ha rừng biến mất, các cấp có thẩm quyền biết việc này không thì ông Sơn lúng túng và luôn miệng bảo “không biết gì”. Ngay như việc đầu năm 2011 Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Ayun Pa mua 50 ha đất lâm nghiệp giá hơn 4,5 tỷ đồng của ông Phạm Văn Hùng, rồi mở trang trại trồng mía ngay trong tiểu khu 1149 ông Sơn cũng bảo không biết.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, năm 2005 ông Phạm Văn Hùng một người quê ở tận Long An, quen biết với ông Trần Đình Thanh nên được giao 32 ha rừng tại khoảnh 4 lô 6 có trữ lượng gỗ bình quân 87 m3 /ha để quản lý bảo vệ và hưởng lợi dưới tán rừng. Thế nhưng không hiểu sao ông Hùng mở rộng, lấn chiếm lên đến 50 ha rồi năm 2011 bán lại để Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện mua trồng mía nhưng BQL RPH Ayun Pa không biết!
Có mặt tại các tiểu khu này vào đầu tháng 7-2012, chúng tôi thấy rằng rừng đã lùi xa, chỉ trơ vài cây tạp được các đối tượng phá rừng lấy đất để lại làm cây che mát hoặc vài khoảnh cây bụi khu vực khe đá. Hai bên đường những gốc cây rừng đốt chưa cháy hết nằm chỏng chơ dọc bờ lô.
Ông Phạm Văn Hiệp-người được Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai giao quản lý trang trại mía 50 ha ở tiểu khu 1149 cho biết: Toàn bộ diện tích này được trồng mía vụ đầu tiên.
Khi nhận bàn giao từ ông Hùng sang Công ty, họ đã tổ chức khai hoang, rà rễ cây rừng đốt không hết phải gom lại cả đống thế này. Giáp ranh với nương mía của Cty là trang trại mía của “Hùng hí hố”, “Thanh đen” (ông Trần Đình Thanh, nguyên Trưởng ban), Hoa Lộc… người nào cũng cả chục ha trở lên. Một số đối tượng có máu mặt như Năm Hùng diện tích lên đến 150 ha, Phùng Văn Thủy 70 ha, Hai Hùng 30 ha… Tất cả đều khai phá, mua đi bán lại, thu gom từ nhiều nguồn. Ông Hiệp cho biết thêm: Đất đai ở đây hiện có giá từ 100 đến 300 triệu đồng/ha tùy diện tích lớn nhỏ đất tốt xấu, việc mua bán diễn ra thường xuyên.
Vì sao hàng ngàn ha rừng với hàng trăm ngàn mét khối gỗ mất trắng nhưng Ban quản lý rừng và chính quyền địa phương đều tỏ ra bàng quan xem như không hay biết? Ngay cả một doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Ayun Pa biết rõ đây là đất lâm nghiệp có rừng vẫn nhảy vào mua bán bất hợp pháp 50 ha. Phải chăng vì lợi ích của nhóm người này mà pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng ở Pờ Tó đã bị tê liệt nhiều năm.
Huỳnh Kiên