Thời sự - Bình luận

Ai dám làm 'xe mồ côi'?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày cuối tuần, trong các quán cà phê khách bàn tán sôi nổi quanh tin: "Xử" xe quá tải, CSGT Đồng Nai bị gọi: "Xe này gửi một tháng mấy triệu, cho đi đi" trên tuoitre.vn. Người dân quan tâm cũng phải thôi.
 
Bởi vấn nạn gọi đúng tên là "bảo kê" này đã râm ran hàng chục năm qua, ở khắp nơi, đâu chỉ có ở Đồng Nai. Cái mới đó là chính người trong ngành đã tố lãnh đạo của mình "bảo kê" xe quá tải.
Những câu hỏi từ bàn cà phê nghe sao mà nhức nhối! Quốc lộ, đường vào bến cảng, khu công nghiệp có bao nhiêu xe quá tải, xe "gửi tháng", "xe của sếp"...? Phải chăng xe quá tải, quá khổ gây tai nạn, làm hư hỏng đường bao năm nay không xử lý được là do nạn "xe gửi tháng", "gửi sếp"? Có bao nhiêu vụ mãi lộ bị người trong ngành phanh phui và được truy tận gốc, hay lại dang dở như vụ "logo xe vua" có người đưa hối lộ mà không có người nhận?
Người kinh doanh xe tải cũng đau đầu, rồi râm ran quy trình gửi gắm xe nghĩa tình. Họ phải rành rẽ về quy trình này bởi đoàn xe "3 giò, 4 giò" là nồi cơm của họ nên gặp cảnh sát giao thông "phải biết điều" để được trở thành "xe gửi gắm", "xe nghĩa tình", chẳng ai muốn trở thành "xe mồ côi". 
Khi có xe vi phạm, chỉ cần nói tên người gửi, thậm chí có cuộc gọi đến cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, xe quá tải lại bon bon trên đường bởi "không ai dám chống lệnh hoặc do chỗ quen biết, nghĩa tình".
Nhưng chuyện xe nghĩa tình không còn là râm ran nữa mà nay đã được chính cảnh sát giao thông Đồng Nai - những người thực thi công vụ - quay clip, ghi âm "điểm mặt chỉ tên", tố giác ngay lãnh đạo đã bảo kê, can thiệp để cho các đoàn xe quá tải ra đi mà không hề bị xử lý. "Xe này gửi một tháng mấy triệu, cho đi đi"!
Người dân còn nhớ đầu tháng 6-2019, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định "kiên quyết xử lý sai phạm trong nội bộ, không có vùng cấm, không bao che bất kỳ trường hợp nào". Và trên thực tế, Bộ Công an đã được xã hội ghi nhận khi quyết liệt tinh gọn bộ máy và xử lý nhiều cán bộ, kể cả cấp cao vi phạm pháp luật.
Về tình trạng mãi lộ của cảnh sát giao thông, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh mọi vi phạm của cảnh sát giao thông phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, xử lý cán bộ vi phạm và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, chỉ huy. Thậm chí xử lý hình sự, tước danh hiệu, đưa ra khỏi lực lượng Công an nhân dân.
Và hôm nay, hai sĩ quan ở Phòng Cảnh sát giao thông Đồng Nai đã công khai tố giác, đưa ra các bằng chứng tiêu cực, "bảo kê" của lãnh đạo đội. Đúng, sai ở mức độ nào Bộ Công an sẽ phải làm rõ, xử lý đến nơi đến chốn. Bởi người dân vẫn tâm đắc với lời nói của Bộ trưởng Tô Lâm. 
Và chỉ có xử lý quyết liệt mới xóa đi khái niệm "xe mồ côi", "xe nghĩa tình". Khi đó chỉ còn xe chấp hành pháp luật.
Sơn Định (TTO)

Có thể bạn quan tâm