Thời sự - Bình luận

Tiền đề cho 'rõ vai, thuộc bài'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Định hình cơ cấu tổ chức Quốc hội, Chính phủ là một trong những kết quả quan trọng của kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa khép lại ngày 19-2.

Các luật và nghị quyết mà Quốc hội đã thông qua tại kỳ họp này quy định theo hướng tinh gọn bộ máy. Tổ chức mới của Quốc hội gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban (giảm 4 ủy ban so với trước); Chính phủ sau kiện toàn đã giảm được 4 bộ và 1 cơ quan ngang bộ (còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ).

Ngay sau phiên họp thông qua các nghị quyết, hội nghị triển khai đồng loạt được Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan tổ chức tối 18-2. Về phía Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể các cơ quan của Quốc hội, có hiệu lực thi hành ngay.

“Việc bổ sung nội dung quy định về chế độ làm việc, quy định rõ phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, loại công việc cần giải quyết của tập thể các cơ quan sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với tính chất, yêu cầu công việc của từng chủ thể có liên quan, bảo đảm giải quyết kịp thời các nhiệm vụ, công việc phát sinh”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng thời điểm, về phía Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chủ trì hội nghị triển khai nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, giao nhiệm vụ cho một số thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Thủ tướng nhấn mạnh, cơ cấu mới giúp nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu quản lý hiện đại.

Quá trình xây dựng, ban hành và triển khai chính sách về sắp xếp lại cơ cấu tổ chức Quốc hội, Chính phủ đã được rút ngắn hết mức nhằm tránh những khoảng trống và bối rối thường phát sinh trong điều hành. Tuy thế, việc chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tới đây chắc chắn sẽ phức tạp hơn. Trước mắt, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ vẫn kế thừa, tiếp nhận nguyên trạng nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như trước khi thực hiện sắp xếp. Trong quá trình thực hiện, một số lĩnh vực, nội dung công việc sẽ được điều chỉnh giữa các cơ quan để bảo đảm tính cân đối, hài hòa; không bỏ trống, không trùng lắp; tránh dồn việc vào một số cơ quan gây quá tải, không đảm bảo chất lượng công việc... Nhưng nếu không sớm được hoàn thiện các quy định liên quan thì không thể tạo điều kiện cho cơ quan sau sắp xếp hoạt động tốt, liên tục, không bị gián đoạn.

Trong khi đó, Kết luận số 126 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 vừa được ban hành cũng nêu rõ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện đề án tổ chức lại hệ thống thanh tra, tòa án, viện kiểm sát; nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh… Như vậy, hiện đã có những tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện phương châm “rõ vai, thuộc bài” thường được lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhắc nhở khi đề cập đến trách nhiệm độc lập và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước. Nhưng, khối lượng công việc tiếp theo còn rất lớn, nhất là quá trình triển khai trên thực tế, tiếp tục đòi hỏi cả hệ thống chính trị đồng lòng, chung sức.

Theo ANH THƯ (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm