Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Người trẻ 'đẻ' ra tiền nhờ ứng dụng AI

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước thực trạng phải viết lệnh sản xuất thủ công, tốn rất nhiều công sức, các bạn trẻ Công ty than Uông Bí (Quảng Ninh) đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phần mềm chỉ huy sản xuất, làm lợi 2 tỉ đồng mỗi năm.

Chỉ huy sản xuất bằng AI

Việc viết lệnh sản xuất bằng tay và ghi sổ bàn giao ca là công việc vất vả đã quá quen thuộc với vùng mỏ Quảng Ninh. Từ năm 2020, một nhóm bạn trẻ Đoàn thanh niên Công ty than Uông Bí đã xây dựng ý tưởng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện công trình "Viết lệnh sản xuất, bàn giao ca và nhận diện khuôn mặt trên phần mềm chỉ huy sản xuất". Công trình đã được Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) công nhận và đồng ý cho áp dụng vào điều hành sản xuất; Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN cho phép triển khai ứng dụng trong toàn hệ thống.

Công trình do các bạn trẻ Đoàn thanh niên Công ty than Uông Bí xây dựng làm lợi 2 tỉ đồng mỗi năm. Ảnh: NVCC

Công trình do các bạn trẻ Đoàn thanh niên Công ty than Uông Bí xây dựng làm lợi 2 tỉ đồng mỗi năm. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về công trình này, anh Vũ Đức Phương, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty than Uông Bí, trưởng nhóm thực hiện, cho biết phần mềm gồm 4 nội dung chính là hệ thống, từ điển, lệnh sản xuất, nhận diện khuôn mặt và vân tay. Trong đó, phần "Lệnh sản xuất" chứa các lệnh cho phép tạo và viết các lệnh sản xuất, sổ giao nhận ca, thay cho việc phải viết tay và ghi sổ trước đây. Bên cạnh đó, người lao động đến làm việc được nhận diện khuôn mặt, vân tay để phục vụ việc chấm công và định mức suất ăn mỗi ngày.

"Áp dụng các phần mềm vào sản xuất giúp người lao động chỉ cần đến nhận diện bằng khuôn mặt và xác nhận điện tử rồi vào ca làm việc, chứ không mất thời gian điểm danh, ký lệnh sản xuất như trước", anh Phương chia sẻ.

Đặc biệt, phần mềm này giúp minh bạch trong chấm công, định lượng mức ăn cho từng cán bộ công nhân viên chính xác theo từng vị trí làm việc đặc thù. Bên cạnh đó, phần mềm còn kiểm soát và dự báo nguy cơ về an toàn lao động từ phân xưởng đến các phòng ban. Đối với cán bộ phân xưởng sẽ giúp rút ngắn thời gian giao lệnh sản xuất.

"Bộ phận gián tiếp tại các phân xưởng thực hiện thao tác trên phần mềm để tạo các chứng từ trong công tác xin cấp, theo dõi, quản lý vật tư một cách chính xác, kịp thời, giúp cho các đơn vị chủ động được vật tư phục vụ sản xuất; hiệu suất huy động vật tư phục vụ sản xuất được nâng lên tối đa. Từ đó, ban chỉ huy phân xưởng có nhiều thời gian hơn để trực tiếp tham gia chỉ đạo sản xuất tại hiện trường, phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn trong ca sản xuất, góp phần tăng năng suất và hiệu quả lao động", anh Phương cho hay.

Theo anh Phương, trước đây theo quy định mỗi đơn vị sản xuất khai thác có đến 9 - 10 đầu sổ như: sổ nhận lệnh sản xuất, sổ bàn giao ca, sổ quản lý vật liệu nổ công nghiệp, sổ thông gió đo khí, sổ hộ chiếu khoan nổ mìn… Nhưng từ khi chuyển đổi số thì đã bỏ hết các loại sổ sách và gần như giao ca chỉ cần 1 máy tính, tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Công nhân được nhận diện khuôn mặt thay cho việc ký xác nhận giấy tờ, giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động. Ảnh: NVCC

Công nhân được nhận diện khuôn mặt thay cho việc ký xác nhận giấy tờ, giúp tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động. Ảnh: NVCC

Làm lợi 2 tỉ đồng mỗi năm

Là người trực tiếp tham gia và thụ hưởng công trình ý nghĩa này, ông Vũ Quang Tân, Quản đốc Phân xưởng đời sống phục vụ 2 (Công ty than Uông Bí), cho biết khi chưa áp dụng công nghệ, công việc của ông rất vất vả. Theo quy trình làm việc, ông phải viết lệnh cho các phó quản đốc với 3 ca/ngày tại 1 vị trí sản xuất. Trước khi vào từng ca, các phó quản đốc nhận lệnh từ quản đốc, viết tiếp lệnh khác giao cho từng vị trí trong ca; dùng sổ để giao việc cho từng bộ phận. Viết xong lại giao cho từng nhóm, đọc lệnh; mất mấy phút giao lệnh cho từng người. Sau khi tiếp nhận, từng người lên ký lệnh rồi mới vào hiện trường.

"Phó quản đốc còn phải gọi điện cho trung tâm điều hành, đọc lại nội dung đã làm. Sau khi báo cáo cấp trên, phải ký sổ bàn giao ca trước để lại rồi mới đi vào hiện trường chỉ đạo sản xuất; chưa kể phải gửi phiếu báo ăn đến nhà bếp. Bắt đầu giao ca 7 giờ thì phải đến 8 giờ 30 mới hoàn thiện hồ sơ giấy tờ. Cứ 5 giờ tôi đã phải đi đến nơi làm việc rồi", ông Tân kể.

Khó khăn nhất là việc phải quản lý các loại sổ sách. "Tôi phải bảo quản và sử dụng 1 quyển sổ lệnh quản đốc để giao việc cho 3 phó quản đốc, ghi bằng tay, mất rất nhiều thời gian; 1 sổ giao ca khổ giấy A3 dày, nặng trịch. Sợ nhất là bị mưa gió, sổ rách, khó quản lý, lưu sổ. Nếu mất sổ thì không tính được chi phí cho công nhân", ông Tân chia sẻ.

Khi ứng dụng phần mềm vào sản xuất, quy trình đã nhanh gọn lên rất nhiều. Theo ông Tân, do giảm thời gian ở các công việc hành chính mà thời gian làm việc tăng lên. Sau khi áp dụng phần mềm số, điểm tính công của người lao động tăng lên rõ rệt, giúp thu nhập cũng tăng. Cùng với đó, việc áp dụng phần mềm vào sản xuất thay cho việc phải sử dụng mẫu biểu in sẵn đã tiết kiệm đáng kể chi phí văn phòng phẩm, không gian lưu trữ hồ sơ. Công tác tổng hợp, lưu trữ hồ sơ khoa học, chính xác và việc truy xuất dữ liệu phục vụ công tác thanh kiểm tra nhanh chóng, kịp thời.

Qua 2 năm triển khai, tổng giá trị làm lợi của công trình ước tính khoảng 2 tỉ đồng/năm. Công trình cũng đã được T.Ư Đoàn đánh giá cao và trao giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" năm 2022.

Có thể bạn quan tâm