Thời sự - Bình luận

"Ai ở đâu ở yên đó" và bữa cơm cho dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

“Ai ở đâu, ở yên đó” là một mệnh lệnh đối với TPHCM. Nhưng để người dân không ra đường, thực hiện nghiêm chỉ thị thì việc đầu tiên phải lo cho họ được cái ăn.

 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (trái) tặng quà cho người dân khó khăn vì dịch COVID-19. Ảnh: Cao Thăng
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (trái) tặng quà cho người dân khó khăn vì dịch COVID-19. Ảnh: Cao Thăng


TP.HCM đưa ra 5 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp đầu tiên, cấp bách nhất, cần thực hiện mức độ cao nhất là: “Ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố”.

Không phải lần đầu thực hiện, song lần này, TPHCM đã nâng cấp độ, tương đương cấp độ Đà Nẵng đang thực hiện, cấm người dân ra ngoài đường.

Nhưng để tất cả mọi người thực hiện, thì việc của chính quyền, đầu tiên là phải lo cho dân cái ăn.

Tháp nhu cầu Maslow chỉ ra, nhu cầu ăn uống ở tầng thứ nhất, ngang bài tiết, thở, nghỉ ngơi. Sức khoẻ, sự an toàn ở tầng thứ hai.

Câu hỏi đặt ra lúc này là khi dân ở một chỗ thì ăn gì? Thông tin người Việt tiêu thụ mì tôm thứ ba thế giới với mức trung bình 72 gói mỗi năm là thông tin tích cực về mặt sản xuất kinh doanh. Nhưng không thể “trường kỳ” ăn mì tôm, hàng ngày, hàng tháng.

Thì đây, cũng trong ngày 20.8, Chính phủ đã chính thức ký cấp xuất hơn 130.000 tấn gạo hỗ trợ cho 8,6 triệu người nguy cơ thiếu đói tại 24 tỉnh, thành. TPHCM được cấp phát nhiều nhất: 71.000 tấn. Số lượng ấy mới chỉ bằng một nửa so với địa phương đề xuất là 142.000 tấn.

Mới đây, Hà Nội - địa phương cũng đang thực hiện giãn cách - đã hỗ trợ 5.000 tấn gạo cho TPHCM.

An ninh lương thực chính là lúc này. Và dù TPHCM mới chỉ được cấp một nửa so với đề xuất cũng là nỗ lực cực lớn của Chính phủ. Nhưng cần phải hỗ trợ hơn nữa, nhiều địa phương ở “vùng xanh” cũng cần lên phương án hỗ trợ gạo cho người dân “vùng đỏ”.

Vấn đề là cấp phát thế nào? Khác với khoản hỗ trợ bằng tiền, cần quy định đối tượng cụ thể, gạo cứu đói cần phải linh hoạt, thậm chí giải pháp là cấp phát cho tất cả các hộ dân trên địa bàn mà không cần những thủ tục rườm rà.

Gạo, thực phẩm đối với người dân “ai ở đâu thì ở yên đó” lúc này còn quan trọng hơn tiền.

Và cũng không chỉ gạo, còn rau xanh, thực phẩm phải có giải pháp cung cấp đầy đủ, đưa đến tận nhà.

Chỉ có lo được bữa cơm cho dân thì dân mới thực hiện nghiêm “ở yên tại chỗ” để chống dịch.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ai-o-dau-o-yen-do-va-bua-com-cho-dan-944057.ldo

Theo LINH ANH (LĐO)

Có thể bạn quan tâm