(GLO)- Ắt hẳn ai cũng từng đắn đo trước tờ hóa đơn thanh toán trong một cữ cà phê hay bữa ăn quen thuộc. Không phải vì số tiền nhiều hay ít mà chúng ta thường sẽ nghĩ nhiều hơn về lý do mình hay người khác phải móc hầu bao chi trả.
Trong giao tiếp xã hội, có rất nhiều quy ước như “luật bất thành văn” liên quan chuyện tiền bạc: người đưa ra lời mời, rủ rê sẽ trả tiền; khi hẹn hò thì con trai sẽ là người thanh toán mọi chi phí; gia đình đi ăn thì vợ sẽ là “chủ hầu bao”… Với những quy chuẩn đó, chúng ta thường có xu hướng “né” nói về chuyện trả tiền bởi đã có… luật.
Thế nhưng, cuộc sống ngày càng hiện đại, tư tưởng cũng dần cởi mở hơn, mọi người thẳng thắn hơn khi nói về chuyện tiền bạc. Cộng đồng mạng đã từng tranh cãi quyết liệt về việc sau buổi hẹn hò đầu tiên, chàng trai nhắn tin đòi cô gái phải chia đôi chi phí đồ ăn, nước uống. Sự rạch ròi trong chuyện tiền bạc này nhanh chóng được các diễn đàn mổ xẻ và ai cũng có lý do riêng của mình. Nhiều người cho rằng chàng trai quá “kẹt xỉ” và thiếu ga lăng khi muốn chia đôi tiền hẹn hò. Song cũng có ý kiến bảo vệ bởi có thể chàng trai thấy không vừa ý với cô gái này và không muốn tốn kém vào một mối quan hệ không khả quan. Nhiều chàng trai cũng lên tiếng bênh vực rằng tại sao họ luôn luôn phải trả tiền cho các cuộc hẹn trong khi con gái bao giờ cũng đòi “bình đẳng” và có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Xét về lý thì như vậy song về tình, suy nghĩ như vậy liệu có quá tính toán? Khi cả hai đang muốn tiến tới một mối quan hệ thân thiết hơn, việc quá chi li có thể sẽ trở thành những viên đá, thậm chí là bức tường ngăn cản. Vì thế, trước chuyện tiền bạc, cả hai cần có sự ứng xử tế nhị hơn. Chàng trai vẫn có thể chủ động thanh toán, song cô gái cũng nên ý nhị chia sẻ một phần chi phí để cả hai cùng cảm thấy thoải mái, dễ chịu trong những buổi hò hẹn.
Tranh minh họa. |
Không chỉ đối với các cặp đôi, trong mọi mối quan hệ, việc ứng xử đối với tiền bạc cũng khá quan trọng. Tôi cùng 3 cô bạn chơi thân với nhau từ khi còn là sinh viên. Đến bây giờ, ai cũng đã có một cuộc sống riêng tương đối ổn định. Mỗi người mỗi ngả, chúng tôi thường lên kế hoạch để ít nhất một năm gặp nhau một lần. Trước khi gặp nhau, cả nhóm thường cùng lên kế hoạch cụ thể sẽ chơi gì, ngủ nghỉ ở đâu, ăn uống như thế nào. Với những chi phí cần thanh toán trước như: tiền phòng, vé máy bay, tàu xe, cả 4 sẽ tính tổng và chia đều để cùng nhau đóng góp. Trong thời gian gặp nhau, chúng tôi sẽ âm thầm luân phiên người trả tiền cà phê, người bao ăn sáng hay thanh toán tiền taxi, vé vào cổng các khu tham quan. Mặc dù vẫn có sự chênh lệch ít nhiều song vì sự thẳng thắn và tế nhị trong chuyện tiền bạc nên chúng tôi cảm thấy rất thoải mái khi đi cùng nhau. Cuộc gặp gỡ nào cũng rộn ràng niềm vui và không hề có khúc mắc nào trong chuyện tiền nong.
Ai trả tiền là một chuyện song cách trả như thế nào cũng cần suy nghĩ. Không ít lần cả bàn tiệc lâm vào tình thế khó xử khi ai cũng tranh giành tấm hóa đơn để được trả tiền. Cả một góc quán ầm ĩ, thu hút sự chú ý chỉ vì ai cũng… hào phóng. Thậm chí có trường hợp suýt ẩu đả chỉ vì… giành nhau trả tiền cho một cuộc vui. Ngược lại, cũng có không ít kẻ ngó lơ, giả vờ nghe điện thoại, đi vệ sinh hoặc nói chuyện say sưa khi nhân viên đưa hóa đơn thanh toán. Lại có người ăn uống lúc nào cũng thấy mặt song chưa một lần móc ví trả tiền!
Tiền bạc vốn là vấn đề rất tế nhị. Việc ngó lơ khi thanh toán là không nên song việc tranh giành giữa chốn đông người một tấm hóa đơn cũng chưa hẳn là cách ứng xử hay. Nếu không thể trả tiền bữa tiệc đó, chúng ta có thể cảm ơn người đã trả tiền và mời họ vào lần tiếp theo. Như một con dao hai lưỡi, cách chúng ta ứng xử với việc trả tiền như thế nào cho bữa tiệc gặp gỡ có thể quyết định mối quan hệ thành hay bại, chóng vánh hay bền lâu.
PHƯƠNG VI