Màu hoa ấy vừa kiêu hãnh, vừa man mác buồn thương. Dẫu rụng về cội vẫn khiến người ta phải ngoái nhìn. Những cánh hoa ấy giống như chút kiệt cùng kiêu hãnh của mùa xuân.
“Bao giờ cho đến tháng ba- Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”. Bà tôi vẫn thường đọc hai câu ca dao ấy mỗi khi lũ cháu nhỏ than nóng, giục bà cất hết chăn đệm vào rương.
Ra Tết, thời tiết ẩm ương đến lạ. Có những ngày nắng vàng hun khắp sân, chỉ khẽ ngẩng đầu lên là phải nheo mắt lại vì chói. Giữa đông, mặc hai, ba cái áo vẫn thấy lạnh, ấy thế mà giờ đây một chiếc áo len mỏng cũng làm người ta phát ngốt.
Mỗi lần như thế, hai chị em tôi lại muốn tống cái chăn bông vừa to, vừa nặng vào rương. Nhưng bà nhất quyết giữ nó lại. Nắng to thì đem chăn ra hong. Bà lấy chiếc đòn gánh đập vào chăn bình bịch. Những hạt bụi nhỏ bay tứ tung trước mắt, lấp lánh dưới ánh nắng xuân. Bao giờ, những bông hoa gạo rụng đầy triền đê, ấy là lúc tấm chăn dày được “nghỉ hưu” sau mấy tháng “vất vả”. Nó đã thành cái lệ của bà. Vậy mà, lũ cháu nhỏ cứ cố tình quên.
Ở quê tôi, làng nào cũng có dăm ba cây gạo. Cây được trồng ở triền đê, cây lại “đóng đô” ở bãi sau của chùa. Người xưa đã dạy rằng: “Thần cây đa, ma cây gạo”, người lớn lên ở làng, ai cũng thuộc lòng câu ấy. Thêm dăm ba lời dọa dẫm bâng quơ, thế là đám trẻ nít chẳng bao giờ dám bén mảng đến gốc gạo chơi vì sợ ma bắt.
Tháng ba, người ta lại nhớ sắc đỏ của những bông hoa gạo. |
Mùa hè, mùa thu, rồi suốt cả mùa đông dài, cây gạo chẳng có gì hấp dẫn lũ trẻ con. Đám gai chi chít suốt cả thân đến cành đôi khi còn “hiệu quả” hơn cả những lời dọa dẫm của người lớn. Đã thế, thân cây gạo lại thẳng, vươn cao mới đẻ nhánh, phân cành, mấy cậu nhóc nhà quê cũng chẳng có chỗ mà leo trèo.
Thế nhưng, cứ đến tháng hai, cây gạo lại có dịp “thay da đổi thịt”. Đám lá úa đã rụng hết, những bông hoa đỏ cứ thế đơm đầy cành. Đầu tuần, chị tôi đạp xe lên trường chuyên đi học, mới có lác đác vài bông hoa gạo bung cánh, trông như đốm lửa nhỏ. Chị ngoái nhìn theo những đốm đỏ chênh vênh ấy một lát, rồi mới yên lòng để đi. Chắc chị sợ khi về hoa rụng hết.
Cuối tuần, tôi ra ngõ ngóng chị. Vẫn cái dáng mảnh khảnh ấy trên chiếc xe đạp cũ, chỉ khác là giỏ xe đầy những bông hoa đỏ. Đến đầu làng, bông gạo rụng đỏ gốc, chắc chị thấy tiếc nên nhặt về. Dù biết trước kiểu gì cũng bị mẹ mắng.
Từ miền xuôi đến miền ngược, ở đâu người ta cũng có thể thấy những cây gạo rực rỡ đón mùa xuân. |
Đi một vòng trong làng, không khó gì để kiếm những cành hoa đỏ về chơi. Nào hoa bỏng, hoa dâm bụt, hoa mò… nhưng chẳng hiểu sao, đám trẻ con nhà quê chúng tôi vẫn xúm xít dưới gốc gạo. Dẫu rằng, chỉ nhặt được những bông hoa rụng, cánh đã hơi thâm lại. Cây gạo cao thế, chẳng thể nào hái được hoa tươi. Những bông hoa như màu lửa ấy, ngắm từ phía xa cũng yêu kiều và diễm lệ hơn nhiều… Cái gì không dễ dàng có được, người ta lại càng sinh lòng thèm muốn.
Tôi và mấy đứa bạn vẫn lựa những bông hoa đẹp nhất, rồi đi kiếm dây tơ hồng, hay dây ruột gà kết thành vòng hoa đội đầu. Vừa nghịch, nhưng vẫn nhớ phải ngó nghiêng xung quanh, lỡ mẹ đi qua là lại bị mắng. Vòng hoa dẫu còn đẹp, cũng chẳng đứa nào dám mang về nhà. Nỗi sợ hãi vô hình đã in sâu vào trong tâm trí. Không chỉ với chúng tôi, mà còn với các bà, các mẹ.
Người làng nghèo, quanh năm chỉ biết có ruộng nương nên phải cầu trời, cầu Phật cho mưa thuận gió hòa, nên cố tin vào câu: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” để mong mỏi chút bình an.
“Cây gạo có ma, sao người làng vẫn trồng nó hả bà?”. Đã có lần tôi hỏi bà như thế. Bà nhổ ngụm nước trầu rồi đủng đỉnh kể chuyện. Lẽ công bằng, không phải là thứ dễ tìm. Trên đời có người giàu, ăn không hết của và cũng có những người nghèo, làm lụng vất vả chẳng đủ miếng ăn. Dưới âm phủ cũng vậy, có người được thờ phụng, nên có chỗ nương tựa. Có hồn ma phải vất vưởng khắp nơi. Người ta trồng cây gạo để những vong hồn ấy có nơi nương tựa.
Hóa ra, cây gạo đang “làm việc tốt” vậy mà vẫn phải chịu tiếng oan. Đúng là lẽ công bằng là thứ chẳng dễ tìm. Đầu óc con bé ngây thơ, vụng dại khi ấy vẫn trăn trở mãi mới vào giấc ngủ.
Giống như cây đa và cây si, cây gạo gắn liền với nhiều yếu tố tâm linh. |
Một dạo, trong làng có vài ba người đi làm ăn xa, đi mãi năm, bảy năm không về. Có người đồn họ đã chết ở trên mạn ngược, nhưng cụ thể ở nơi đâu thì không ai rõ. Cái “mạn ngược” quá mênh mông với người làng.
Thế rồi, có những bà mẹ nhớ con, mang nắm hương ra thắp ở gốc gạo. Mong cho đứa con mệnh khổ ấy tìm được đường về nhà. Có lẽ vì vậy mà những bông hoa gạo ở đầu làng luôn có một màu đỏ đến nhức nhối.
Bao năm, lũ trẻ chúng tôi đã thành người lớn. Còn cây gạo vẫn đứng đó, hiên ngang, trầm mặc. Bọn nhóc bây giờ chẳng thiếu đồ chơi. Chúng không cần phải nhặt bông hoa rụng để mua nụ cười con trẻ. Những bông hoa đỏ ấy, cứ thế an nhiên về với đất.
Dẫu lớn khôn, rồi đi xa trăm ngả, chúng tôi vẫn là người làng. Ở nơi xa về là dõi mắt tìm bóng cây gạo. Cái dáng cao sừng sững ấy, bỗng trở nên thân quen như người nhà.
Thụy Oanh (zing)