Bạn đọc

Ẩm thực từ làng ra phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không quá cầu kỳ về gia vị, cách chế biến, đơn giản chỉ là ít muối và bột ngọt vậy mà những món ăn như cơm lam, gà nướng, lá mì, cà đắng... của người Jrai vẫn để lại ấn tượng khó quên trong lòng thực khách.
Mộc mạc như người làng
Đón chúng tôi vào một buổi sáng se lạnh, bà Yet (làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) nở nụ cười thật tươi rồi mời thưởng thức món pung do chính bà nấu. Bà Yet vừa nhanh tay quấy nồi pung, vừa kể: Cả làng Dip đang nhộn nhịp bởi lễ nhận con nuôi của người trong làng. Bà nhận phần nấu món pung. Món ăn này được nấu từ gạo đã giã nát và thịt băm nhuyễn, khi nấu phải luôn tay quậy đều. Sau đó cho ít muối, bột ngọt là thành món pung.
 Gà nướng ăn kèm cơm lam tạo nên hương vị ngon lạ, khó quên. Ảnh: N.T
Gà nướng ăn kèm cơm lam tạo nên hương vị ngon lạ, khó quên. Ảnh: N.T
Bên cạnh nồi pung của bà Yet, thanh niên trong làng cũng đang nhanh chóng cho từng miếng thịt vào bếp than đỏ rực để nướng. Nhìn từng miếng thịt chỉ ướp với muối rồi luân phiên lật trở 2 mặt trên bếp than, tôi thấy bụng mình sôi réo. Chúng tôi được bà Yet lấy cho một chén pung và vài miếng thịt nướng. Thịt nướng dậy lên mùi thơm hấp dẫn, còn món pung cũng ngon không kém với vị ngọt tươi nguyên của gạo, thịt băm. Hương vị của cả 2 món không bị “mờ” đi bởi quá nhiều gia vị như của người Kinh vẫn thường sử dụng trong nấu ăn.
Không chỉ vậy, các món gà nướng, cơm lam, cà đắng nấu cua, muối lá é... cũng được người Jrai rất yêu thích. “Đầu bếp” Blếch (làng Bối, xã Glar, huyện Đak Đoa) năm nay đã 65 tuổi nhưng hiếm khi vắng mặt mỗi lần làng có lễ hội. “Những món ăn của mình được chế biến đơn giản lắm. Gà nướng chỉ cần nhổ lông, moi ruột rồi nướng khoảng 4 tiếng. Cơm lam thì chọn gạo ngon trên rẫy ngâm nước xong rồi bỏ vào ống nứa, đốt trấu ủ trong nửa buổi là chín. Còn đối với món lá mì chọn nấu là lá mì đỏ, mình thường vò hoặc giã nát”-ông Blếch nói.
Lá mì có thể được xào với cá khô, cá hấp, thịt heo hoặc chỉ với dầu ăn hay xào với cà rừng (một loại cà nhỏ như đầu ngón tay) và đặc biệt không thể thiếu ớt, nhất là ớt xanh của người Jrai. Cũng với lá mì ấy, người Jrai có thể chế biến thêm món canh lá mì hoặc món anam tbung được làm bằng cách xào lá mì chín, cho nước bột gạo vào, vừa khuấy vừa đổ cho tới khi bột gạo chín và sệt lại như cháo.
Ngồi trong căn nhà nhỏ, thưởng thức những món ăn do chính người trong làng nấu dẫu đạm bạc chỉ có lá mì xào, pung và cà đắng nấu cua đồng nhưng tôi vẫn cảm thấy ngon ngọt, ấm áp lạ lùng. Bởi không chỉ vì đó là những món ăn truyền thống để đãi khách, mà còn là tấm chân tình, mến khách của dân làng, được thể hiện qua các món ăn mộc mạc nhưng chứa đầy tình cảm của người Jrai.
Từ làng ra phố
Hiện nay, không khó để tìm ra những món ăn đặc trưng của người Jrai tại Phố núi Pleiku. Nếu lỡ say món ăn của người Jrai, thực khách có thể tìm đến quán Ksor Hnao ở làng Kép (phường Đống Đa), do nghệ nhân Ksor Hnao làm chủ. Trong khuôn viên rộng hơn 600 mđầy cây xanh với 3 dãy nhà sàn nhỏ bằng tranh tre nứa lá được trang trí cùng cồng chiêng, tượng gỗ..., thực khách có thể vừa thưởng thức ẩm thực Jrai vừa được đắm mình trong âm thanh cồng chiêng và giọng hát trầm bổng, nội lực của nghệ nhân Ksor Hnao.
Bên cạnh đó, quán Bazan ở làng Chuét 1 (phường Thắng Lợi) cũng thu hút thực khách yêu thích ẩm thực Tây Nguyên bởi những nét riêng của mình. Quán có những món ăn đúng “chất” đồng bào được nấu bởi đầu bếp là người Jrai như: gà nướng, cơm lam, muối é, lá mì, cà đắng, rau dớn, bò nướng trộn mật… Trong men say chuếnh choáng bên ché rượu cần, thực khách còn được thưởng thức những giọng ca bốc lửa, hoang dại như đại ngàn qua các giọng ca của Ksor Thức (chủ quán), Kalin, HHoanh, hay tiếng đàn trưng cùng những điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển do chính các nhân viên là người của làng Chuét 1 thể hiện.
Những món ăn của người Jrai, dù là ở làng hay ở phố đều mang một vị rất đặc trưng, cho ta phần nào cảm nhận được tính cách của con người Jrai-mộc mạc và khoáng đạt như gió đại ngàn.
Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm