Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Âm vang một vùng non nước cố đô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Không chỉ là kinh đô nước Ðại Cồ Việt tự ngàn xưa, Ninh Bình còn lưu giữ nhiều di tích khảo cổ học có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa. Ðó là nguồn tài nguyên “không thể tái tạo”, cần được nghiên cứu bảo tồn và phát huy những giá trị đặc trưng riêng có, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Việc khai quật khảo cổ học năm 2021 bước đầu xác định được nền móng cung điện ở Cố đô Hoa Lư.
Việc khai quật khảo cổ học năm 2021 bước đầu xác định được nền móng cung điện ở Cố đô Hoa Lư.
Việc khai quật khảo cổ học tại hàng loạt di tích ở Ninh Bình đã giúp các nhà khoa học tìm thấy nhiều dấu tích người Việt cổ, nhiều đồ đá, mảnh gốm, di tích xương động vật, thực vật. Ðiều đó, tạo điều kiện cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa phác thảo bức tranh sống động về khảo cổ học; về cuộc sống của người tiền sử ở vùng đất cổ Ninh Bình.
Giá trị tài nguyên ‘‘không tái tạo’’
Phòng tuyến Biện Sơn-Tam Ðiệp thuộc tỉnh Ninh Bình là nơi lưu dấu ấn oai hùng của Vua Quang Trung hội quân Tây Sơn tiến ra Thăng Long “quét sạch” quân Thanh xâm lược. Khu vực này hiện có nhiều di tích khảo cổ học. Trong đó có núi Ba thuộc phường Bắc Sơn, thành phố Tam Ðiệp, là di tích được khai quật từ nhiều năm trước. Tại đây, các nhà khoa học phát hiện dưới lớp trầm tích tại một số hang đá và bên sườn núi Ba có nhiều răng hàm, xương động vật hóa thạch khoảng 30 vạn năm về trước.
Tương tự, tại khu di tích khảo cổ Mán Bạc, ở thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, qua nhiều đợt khai quật trong các năm 1999, 2001, 2005 và 2007 của Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Ninh Bình và các nhà khảo cổ học, nhân học, động vật học của Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ đã  phát hiện được 105 mộ táng với 107 cá thể. Ðây là di tích khảo cổ học duy nhất ở Ninh Bình và khu vực phía nam đồng bằng sông Hồng, phát hiện được nhiều mộ táng và các di tích kiến trúc, di vật rìu tứ giác, bàn mài, bàn đập vỏ cây, đồ trang sức, đồ gốm; cùng nhiều di tích động vật, thực vật, vỏ nhuyễn thể nước mặn, nước ngọt.
 Các khai quật khảo cổ học kế tiếp tại hàng loạt di tích như: núi hang Sáo, hang Nhanh, hang Khỉ, hang Yên Ngựa, Thung Lang ở khu vực thành phố Tam Ðiệp; hoặc di tích hang Bụt, hang Thạch Bình, rừng Cúc Phương ở huyện Nho Quan và một số hang động, mái đá khác ở huyện Gia Viễn... với những di vật, dấu tích được phát hiện và nghiên cứu sơ bộ bước đầu cũng đã cho chúng ta phác thảo bức tranh về cuộc sống của người tiền sử trên đất Ninh Bình.
Mới đây, tại hội thảo về “Ninh Bình trong tiến trình lịch sử dân tộc và sự nghiệp đổi mới”, PGS, TS Trần Ðức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: “Một số di tích khảo cổ thời đại đồ đá cũ được tìm thấy ở Tam Ðiệp có niên đại khoảng 30 vạn năm. Cũng tại khu vực nêu trên các nhà khoa học tiếp tục tìm thấy dấu tích nền văn hóa Hòa Bình có niên đại khoảng 30 nghìn năm. Và nhiều dấu tích chỉ rõ vùng đồng bằng ven biển Ninh Bình là nơi định cư của người Việt cổ thời đại đồ đá mới. Ðiển hình là khu vực di chỉ Ðồng Vườn, Mán Bạc thuộc huyện Yên Mô”.
Giao thoa trong vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã, Ninh Bình có bề dày lịch sử tích tụ qua các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm; là nơi phát tích ba triều đại: Ðinh, Tiền Lê và mở đầu nhà Lý. Khi thiết lập nhà nước trung ương phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam (Nhà nước Ðại Cồ Việt), Vua Ðinh Tiên Hoàng chọn Hoa Lư làm kinh đô. Hiện, có nhiều quan điểm cho rằng kinh đô Hoa Lư là kinh đô đá; có quan điểm lại khẳng định đó là kinh đô nước vì ba bề, tứ bên là sông ngòi chằng chịt. Từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, các đơn vị chức năng, các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đã thực hiện nhiều cuộc khảo cổ ở kinh đô Hoa Lư. Họ tìm thấy dưới lòng đất nhiều dấu tích nền móng, tường thành xây khá kiên cố.
Trong đó có sử dụng vật liệu gạch in chữ “Ðại Việt quốc quân thành chuyên” (có nghĩa là gạch xây thành nước Ðại Việt). Những năm gần đây, các cuộc khai quật khảo cổ học “Nghiên cứu lịch sử vùng đất Ninh Bình từ ngã ba sông Bôi đến Kinh đô Hoa Lư, thời đầu Công nguyên, đến thời kỳ Nhà nước Ðại Cồ Việt” do Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình phối hợp Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Trường đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện, đã phát hiện thêm khoảng 30 địa điểm khảo cổ có dấu tích cư trú của người tiền sử.
Ðặc biệt, đợt điền dã khảo cổ học mở rộng trên diện tích 600 m2 tại khu vực cánh đồng phía nam đền thờ Vua Lê Ðại Hành ở Cố đô Hoa Lư năm 2021, bước đầu xác định được nền móng cung điện thời Ðinh và thời Tiền Lê có quy mô khá lớn như sử sách ghi: “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo/Hoa Lư đô thị Hán Trường An”. Ðiều đó góp phần nâng cao nhận thức về những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của nguồn tài nguyên không tái tạo ở vùng đất “địa linh, nhân kiệt” Ninh Bình.
Phát huy giá trị khảo cổ học
Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình) Vũ Thanh Lịch cho biết: Ninh Bình hiện có 68 di tích khảo cổ được phát hiện trong thời gian qua, có thể cung cấp các dữ liệu khoa học quan trọng về quá trình hình thành, phát triển tự nhiên, xã hội từ thời tiền sơ sử, cách ngày nay hàng vạn năm, đến các giai đoạn lịch sử cách mạng gần đây. Di tích khảo cổ Mán Bạc ở huyện Yên Mô liên tục được thực hiện khai quật, đã góp thêm tư liệu nghiên cứu về diện mạo đời sống, vật chất của cư dân Mán Bạc nói riêng và người Việt cổ thời kỳ tiền Ðông Sơn; về sự biến đổi khí hậu, địa mạo, địa chất vùng đồng bằng sông Hồng, vùng ven biển Bắc Bộ. Kết quả khai quật khảo cổ học tại Quần thể danh thắng Tràng An, kéo dài trong 8 năm với sự phối hợp của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong nước và thế giới cũng đã phát hiện 30 điểm khảo cổ có dấu tích người tiền sử.
Những giá trị về địa mạo, địa chất hội đủ điều kiện để Tràng An được công nhận là di sản kép đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Ðông Nam Á, tạo cơ hội cho Ninh Bình phát triển sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, mỗi loại hình di tích, di sản đều chịu sự tác động mạnh mẽ của tự nhiên gây xuống cấp, hư hỏng; hoặc bị hủy hoại do áp lực phát triển du lịch, do tốc độ đô thị hóa nhanh và do một số người dân thiếu ý thức, làm cho công tác bảo tồn và phát huy những giá trị khảo cổ học đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) khi nghiên cứu giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học cho rằng: “Hệ thống di tích khảo cổ học ở Ninh Bình được phát hiện, khai quật và nghiên cứu trong nhiều thập kỷ qua, chính là mắt xích nối liền lịch sử, mạch nguồn văn hóa Ninh Bình, từ nền văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Ðông Sơn và các giai đoạn lịch sử sau này.
Ðiều đó giúp Ninh Bình trở thành địa bàn quan trọng trên bản đồ phân bố di tích khảo cổ học Việt Nam. Song, việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị nguồn tài nguyên di tích khảo cổ học là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, của các nhà nghiên cứu khoa học; là trách nhiệm của cộng đồng dân cư nơi có di tích và vấn đề truyền thông. Thực tế, phần lớn di tích khảo cổ ở Ninh Bình chưa phát huy đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa và lợi ích kinh tế để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. 
Ðể bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học bền vững, Ninh Bình cần khảo sát tổng thể, đánh giá đúng trữ lượng tài nguyên nêu trên; đồng thời ngăn chặn kịp thời những nhân tố tác động tới hiện trạng, tương lai của di tích. Việc xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học cần dựa trên cơ sở hợp tác, đồng thuận của đơn vị triển khai, thực thi chính sách, đơn vị khảo cổ, cộng đồng, truyền thông’’.
Hiện, Ninh Bình đang triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 200 năm danh xưng và 30 năm tái lập tỉnh, trong đó có hội thảo khoa học về tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới của tỉnh từ khi tái lập (1/4/1992). Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa cho rằng: Ninh Bình từng là đế đô vàng son trong lịch sử, trải qua biến thiên, thăng trầm, danh xưng một vùng non nước cố đô sẽ mãi âm vang với bạn bè trong nước, quốc tế khi thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy những giá trị nổi bật nguồn tài nguyên “không tái tạo” là các di tích khảo cổ học. Tài nguyên ấy sẽ tạo ra sản phẩm độc đáo phục vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo thêm nguồn lực thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Theo Bài và ảnh: LÊ HỒNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm