Kết quả xét nghiệm vừa rồi cho thấy cholesterol HDL của tôi thấp hơn giới hạn bình thường, không biết đáng mừng hay đáng lo.
Bạn đọcTrần Phương Hoài, 27 tuổi, quận 4, TP HCM, hỏi: Chào bác sĩ, tôi đi xét nghiệm máu thì phát hiện cholesterol HDL mà mọi người kêu là tốt thấp hơn giới hạn bình thường. Tôi thấy người ta bị cholesterol cao gây nguy cơ đủ bệnh, vậy cholesterol thấp là tốt hay có thể là dấu hiệu của bệnh gì? Tôi có nên làm gì để cải thiện?
PGS-TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM), trả lời:
Cholesterol là phức hợp phân tử protein kết hợp acid béo, có cấu trức hóa học là một lipoprotein. Đây là chất béo rất quan trọng, cần thiết cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể, cholesterol tham gia vào việc sản xuất vitamin D, sản xuất ra các hormone và tạo ra mật, giúp duy trì hoạt động của hệ thần kinh trung ương (não)…
Cholesterol được sản xuất phần lớn tại gan, một phần còn lại từ nguồn thức ăn bên ngoài. Như vậy cholesterol không phải là chất hoàn toàn có hại cho cơ thể, chỉ khi nào nồng độ cholesterol vượt quá mức bình thường thì nó mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cholestrol gồm có 2 loại:
- LDL cholesterol (Low-density lipoprotein - Lipoprotein có trọng lượng phân tử thấp), còn gọi là cholesterol xấu. Thành phần này chính là tác nhân gây xơ vữa, xơ cứng, tắc hẹp, tắc nghẽn động mạch, nhất là động mạch vành (dẫn đến thiếu máu cơ tim) và nhiều động mạch lớn khác như động mạch cảnh trong, động mạch não, động mạch chủ bụng, động mạch chân tay…
- HDL cholesterol (High-density lipoprotein - Lipoprotein có trọng lượng phân tử cao), còn gọi là cholesterol tốt, HDL có vai trò vận chuyển chất béo dư thừa từ mạch máu đến gan để chuyển hóa, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, giảm nguy cơ tai biến, nhồi máu cơ tim…
Như vậy khi lượng HDL (cholesterol tốt) tăng, chỉ số mỡ máu của bạn sẽ được an toàn. Còn nếu chỉ số LDL (cholesterol xấu) tăng, bạn đang bị mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, cần phải điều trị kịp thời.
Khi bạn có chỉ số HDL thấp, có nghĩa là khả năng thải trừ mỡ trong máu của bạn giảm, dễ bị các bệnh lý xơ vữa mạch máu như đã nêu trên. Cần phải có biện pháp điều trị phù hợp, bao gồm:
- Kiểm soát chế độ ăn uống: thực đơn hợp lý với ít mỡ, ít đạm, ít thịt nhưng nhiều cá, nhiều rau xanh, chất xơ…
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao: vừa làm tăng cholesterol tốt (HDL), vừa thúc đẩy quá trình đào thải cholesterol xấu (LDL).
- Ngưng sử dụng các chất kích thích: Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá làm cholesterol xấu tăng cao.
- Điều trị thuốc khi các biện pháp trên không hiệu qủa.
Anh Thư ghi (NLĐO)