Sức khỏe

Ăn gì vào buổi sáng là tốt nhất cho sức khỏe?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Có nên ăn sáng hay không, ăn như thế nào, ăn gì tốt nhất và với số lượng bao nhiêu? Đó là những câu hỏi được nhiều người quan tâm.Có thể bạn quan tâm
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho hay bữa sáng vẫn là chủ đề mà các nhà khoa học dinh dưỡng tranh luận rất nhiều.
Tranh luận về ăn sáng
Theo TS Sơn, các nhà khoa học đã thống nhất được quan điểm về bữa trưa và chiều, riêng bữa sáng vẫn còn tranh luận. Trong đó, nhiều quan điểm ủng hộ bữa sáng, coi đây là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Bởi khi thức dậy sau 8 tiếng ngủ, cơ thể cần bổ sung năng lượng. Đồng thời, bữa sáng còn liên quan việc phát triển trí não, huyết áp, giảm cân.
Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, nhiều nhà khoa học ủng hộ phương án khác, tùy thuộc mỗi người. Người ta cũng cho rằng khi bỏ bữa ăn sáng, dù năng lượng buổi trưa có tăng lên, năng lượng vẫn giảm đi khoảng 200-400 kcal/ngày.
“Ăn sáng quan trọng nhưng đến mức độ nào tùy thuộc 3 yếu tố là độ tuổi, tình trạng dinh dưỡng và cách sống của mỗi người. Sẽ không có công thức chung cho tất cả. Cá nhân tự đánh giá lại bản thân để tìm lời giải cho mình”, TS Sơn khuyến nghị.
Ông Sơn cho hay quan điểm sai lầm của nhiều người về ăn sáng xuất phát từ cả hai hướng: Cực đoan bỏ bữa và coi trọng thái quá bữa ăn này.
Chuyên gia lấy ví dụ một số người coi bữa sáng là chiêu trò của các nhà thực phẩm ăn sẵn nên bỏ hoàn toàn, trong khi cơ thể cần. Chẳng hạn, người bị bệnh đường huyết phải giãn bữa ăn, việc nhịn ăn sáng sẽ gây thiếu hụt năng lượng trong thời gian dài, không tốt cho cơ thể.
Ngược lại, những người thừa cân, béo phì, lại "nạp" thái quá trong khi bữa ăn này không đạt về chất lượng như thiếu chất xơ, protein. Như vậy, người ăn sẽ nạp năng lượng quá lớn, thất bại trong giảm cân.
 
Theo TS Sơn, một bữa ăn sáng nên có đầu tiên là tinh bột, ở mức vừa phải. Ảnh: Kitchme.
Ăn gì vào bữa sáng?
Theo TS Sơn, bữa sáng nên có tinh bột ở mức vừa phải, sau đó là protein, chất xơ và vitamin.
“Chất bột đường có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể và oxy cho não. Nhịn ăn tinh bột sẽ gây buồn ngủ, ngủ gật, thiếu sức sống vì không có oxy cho não, nhất là vào buổi sáng. Do đó, bắt buộc phải ăn tinh bột, có thể từ cơm, hoặc bún, phở, cháo, bánh mì, nhất là vào buổi sáng, sau một đêm dài nhịn đói”, ông Sơn nói.
Không nên dùng nhiều quá đồ chiên xào vào bữa sáng bởi dễ gây đầy bụng. Ngoài ra, không nên dùng đồ ngọt, chất béo quá nhiều.
Thời gian ăn sáng thích hợp
“Rất nhiều người nghĩ bữa sáng khoảng từ 7-8h. Trẻ em, người có năng lượng thấp hoặc không sắp xếp được thời gian có thể ăn sáng vào khoảng thời gian này. Nhưng, đôi khi, chúng ta ăn theo thói quen, cứ nghĩ đến lúc đó phải ăn. Trong khi thực tế, không phải ai cũng nên ăn sáng như vậy”, TS Sơn cho hay.
Theo chuyên gia này, trẻ em và người cần tăng cân nên ăn bữa sáng sau khi ngủ dậy 30 phút. Người thừa cân khỏe mạnh có thể không cần ăn sáng hoặc ăn với năng lượng thấp ở thời điểm giữa buổi sáng hoặc muộn hơn, tùy cảm giác đói.
“Đừng nghe xui bữa sáng là quan trọng nhất để rồi dù chưa thấy đói, bạn vẫn nhồi cả đống thức ăn vào, sau đó lại thắc mắc ‘Có ăn gì đâu mà vẫn bếu thế’. Tốt nhất là lắng nghe cơ thể bạn”, TS Sơn khuyến nghị.
Doanh nghiệp (Theo Hà Quyên/Zing)

Có thể bạn quan tâm