Bạn đọc

Ẩn họa từ xe công nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xe công nông là tên thường gọi của các loại xe máy kéo nhỏ và xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp. Bởi là phương tiện sản xuất nên xe công nông được khoanh vùng giới hạn đi lại trên phạm vi một số tuyến đường để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, tình trạng xe công nông chạy trên đường cấm vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Gia Lai đang trong mùa cao điểm thu hoạch các loại nông sản như: cà phê, mì... Để chuyên chở nông sản, nhiều người dân sử dụng xe công nông. Vì vậy, tại nhiều tuyến đường, xe công nông xuất hiện khá nhiều, nhất là vào buổi sáng và chiều. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng tai nạn giao thông liên quan đến loại phương tiện này vẫn xảy ra. Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 11 giờ 30 phút ngày 1-12 tại trước nhà số 784 Hùng Vương (tổ 1, thị trấn Chư Sê). Thời điểm này, xe công nông do anh Bùi Văn Hoàng (SN 2002, trú tại xã Ia Me, huyện Chư Prông) điều khiển lưu thông theo hướng từ ngã ba Cheo Reo đi TP. Pleiku đã va chạm với xe máy BKS 81P1-169.42 do anh Huỳnh Công Định (SN 2001, trú tại thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê) điều khiển lưu thông cùng chiều. Hậu quả, anh Định tử vong tại chỗ.
Ông Hồ Minh Hậu-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT huyện Chư Sê-cho biết: Phương tiện này đã di chuyển vào đường cấm. Sau sự việc này, Ban ATGT huyện đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị thành viên Ban ATGT huyện cùng chính quyền xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân cần nâng cao ý thức chấp hành quy định về sử dụng xe công nông, nhất là trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển nông sản trên địa bàn đang tăng cao dịp cao điểm thu hoạch nông sản.
Xe công nông nối đuôi nhau chạy trên tỉnh lộ 665 (huyện Chư Prông). Ảnh: Hải Lê
Xe công nông nối đuôi nhau chạy trên tỉnh lộ 665 (huyện Chư Prông). Ảnh: Hải Lê
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, trong 9 tháng năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông, làm chết 7 người, bị thương 2 người (tăng 16,67% số người chết, giảm 33,33% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2020). Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-cho biết: Theo quy định, các loại xe máy kéo nhỏ và xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp chỉ được lưu thông trên các tuyến đường nông thôn; không được lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường nội thị để đảm bảo ATGT. Đặc biệt, các loại xe này không được phép chở người ngồi trên thùng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn cố tình điều khiển các loại xe máy kéo nhỏ và xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp trên các tuyến đường không được phép lưu thông, ảnh hưởng đến các loại phương tiện khác cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. “Trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan xe máy kéo nhỏ và xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp. Đáng ngại nhất là loại phương tiện này không đảm bảo các điều kiện về an toàn kỹ thuật, di chuyển vào ban đêm không có đèn chiếu sáng, không gắn phản quang cảnh báo… dẫn đến người điều khiển phương tiện khác không quan sát thấy và dễ xảy ra tai nạn”-ông Hiếu cho biết.
Qua thống kê của Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 37.000 phương tiện xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, tập trung nhiều nhất tại các huyện: Chư Pưh, Đak Đoa, Mang Yang, Ia Grai. Ông Tăng Xuân Kiên-Trưởng phòng Quản lý phương tiện và Người lái (Sở GT-VT) thông tin: Mặc dù UBND tỉnh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thông qua chương trình đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 và cho phép một số cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh được tuyển sinh, đào tạo, sát hạch cho người dân có nhu cầu sử dụng các loại xe máy kéo nhỏ và xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp nhưng số lượng người đăng ký theo học vẫn rất hạn chế. “Sở GT-VT yêu cầu các cơ sở đào tạo đẩy mạnh tuyên truyền, thậm chí áp dụng giảm học phí để hỗ trợ, khuyến khích người dân đi học lái xe hạng A4 nhưng trên thực tế, số lượng học viên đăng ký rất ít. Từ đầu năm đến nay mới chỉ có 150 học viên đăng ký tham gia đào tạo, cấp giấy phép lái xe hạng A4. Trong đó, có 60 học viên được cấp chứng chỉ cuối khóa, 46 trường hợp đủ điều kiện cấp giấy phép lái xe hạng A4”-ông Kiên dẫn chứng.
Thời gian qua, Công an toàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, yêu cầu các chủ xe công nông chấp hành nghiêm quy định về lưu thông để đảm bảo trật tự ATGT. Sở GT-VT cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến chủ phương tiện; kêu gọi các nhà tài trợ hỗ trợ thiết bị phản quang để gắn trên xe công nông; đẩy mạnh đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp cố tình không chấp hành đúng quy định và để xảy ra tai nạn giao thông. “Thời gian đến, Sở GT-VT sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền và hỗ trợ người dân tham gia học để cấp giấy phép lái xe, qua đó nhằm trang bị cho người lái các loại xe máy kéo nhỏ và xe máy kéo phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp có được kỹ năng, nhận thức cần thiết về điều khiển loại phương tiện này. Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần có sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương và ngành chức năng giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc học lái xe”-ông Kiên cho hay.
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm