Kinh tế

Nông nghiệp

An Khê đảm bảo an toàn cho đàn gia súc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, ngành chức năng thị xã An Khê (Gia Lai) đang tích cực triển khai các giải pháp phòng-chống dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn, đảm bảo an toàn cho đàn gia súc.
So với các xã, phường khác trên địa bàn thị xã An Khê, xã Song An có số lượng gia súc không nhiều, chỉ khoảng hơn 3.000 con trâu, bò, heo. Nhưng vì nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông của tỉnh, tiếp giáp với tỉnh Bình Định nên xã rất quan tâm đến công tác phòng-chống, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc. Ông Trần Ngọc Hiệp-thú y viên xã Song An-cho hay: “Từ đầu năm đến nay, ngoài phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã phun hóa chất Benkocid, xã cũng xuất gần 8 triệu đồng mua hóa chất phun tiêu độc khử trùng trên địa bàn. Bên cạnh đó, xã luôn bám sát kế hoạch của cấp trên, thực hiện tiêm ngừa vắc xin cho đàn gia súc đạt trên 80%; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và các cơ sở chăn nuôi về cách phòng tránh dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng định kỳ ở khu vực chăn nuôi”.  
 Định kỳ hàng tháng, ông Dư phun hóa chất tiêu độc khử trùng trong và ngoài khu chăn nuôi. Ảnh: N.M
Định kỳ hàng tháng, ông Dư phun hóa chất tiêu độc khử trùng trong và ngoài khu chăn nuôi. Ảnh: N.M
Với kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi heo, ông Tạ Chí Ngọc Dư (thôn An Thượng 3, xã Song An) cho rằng, công tác phòng bệnh cho gia súc luôn quan trọng hơn là chữa bệnh. Chính vì thế, hàng tháng, gia đình ông đều phun tiêu độc khử trùng khu vực chuồng heo hơn 200 con. Đàn heo của gia đình cũng được tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ 6 tháng/lần. Đặc biệt, gia đình ông thực hiện nghiêm ngặt khâu xuất heo để tránh lây lan dịch bệnh. Ông Dư chia sẻ: “Khi vào chuồng heo phải đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ, đi ủng (đã được sát trùng), sau đó lựa những con heo xuất bán đưa ra khu vực riêng. Xe chở heo cũng được phun khử trùng trước khi đến gần chuồng”.
Theo thống kê đến ngày 1-4, thị xã An Khê có 27.148 con heo, trâu, bò. Từ đầu năm đến nay, thị xã An Khê đã xuất trên 176 triệu đồng mua 500 lít hóa chất, 35 tấn vôi bột và vật tư kỹ thuật phục vụ công tác phòng-chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Ngành chức năng địa phương cũng đã phối hợp với lực lượng thú y cơ sở phun tiêu độc khử trùng được 576 ngàn m2 chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc ở 11 xã, phường và 1 đơn vị quân đội trên địa bàn.
Song song với công tác phòng-chống dịch, ngành chức năng thị xã cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên tăng cường sát trùng cả bên trong và bên ngoài chuồng trại, lối đi vào trại. Cổng xuất-nhập heo phải có hố sát trùng và máy phun thuốc sát trùng, mỗi đầu trại phải có khay/hố sát trùng và thay nước hàng ngày. Phương tiện trước khi ra vào trại phải được phun sát trùng thật kỹ. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho heo; tích cực tiêm vắc xin phòng các bệnh do vi rút gây ra như: dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng… Các hộ cần nhập heo có nguồn gốc rõ ràng, phải có khu riêng nuôi cách ly heo mới nhập để theo dõi tình trạng sức khỏe vật nuôi; giám sát tình hình sức khỏe toàn đàn heo hàng ngày để có giải pháp xử lý kịp thời nếu nghi ngờ nhiễm bệnh. Ngoài ra, ngành chức năng cũng lưu ý người chăn nuôi phải thực hiện tốt “5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh, sản phẩm gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi. 
Ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thị xã ổn định không có ổ dịch nào. Chúng tôi đang chuẩn bị vật tư, trang-thiết bị để tiêm phòng đợt I năm 2019 cho đàn gia súc; tổ chức tuyên truyền, tư vấn về tình hình chăn nuôi, can thiệp và điều trị bệnh gia súc; hướng dẫn người chăn nuôi sử dụng hóa chất phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi; phối hợp với ngành chức năng tăng cường kiểm tra khu giết mổ, chế biến gia súc… Ngoài ra, chúng tôi cũng tư vấn các hộ chuyển đổi giống vật nuôi; ra các văn bản hướng dẫn phòng-chống dịch tả heo châu Phi gửi đến các xã, phường và các cơ sở thú y”.
Trao đổi với P.V về công tác kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra vào tỉnh, ông Thái Văn Dũng-Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Song An-cho hay: Thực hiện công điện của Bộ Nông nghiệp và PTNT, công văn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về việc ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh, Trạm đã tăng cường phân công trực 24/24 giờ; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát Giao thông, Quản lý Thị trường tỉnh kiểm tra, kiểm soát, phun tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào tỉnh. Chúng tôi kiên quyết không cho những trường hợp vận chuyển gia súc mà không có giấy tờ kiểm dịch đầy đủ, đúng quy định, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng vào tỉnh. “Từ cuối tháng 2 đến nay, Trạm đã phun tiêu độc khử trùng 347 trường hợp phương tiện vận chuyển gia súc, gồm 19 trường hợp xuất ra khỏi tỉnh, 243 trường hợp nhập vào tỉnh và 85 trường hợp quá cảnh. Trạm đã xử lý, yêu cầu cách ly, kiểm dịch lại, trả về nơi xuất phát 5 trường hợp với 95 con trâu, bò và 7 con heo”-ông Dũng thông tin thêm.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm