(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) quan tâm hỗ trợ người dân, hợp tác xã trồng cây dược liệu. Nhờ phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây dược liệu bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Triển vọng từ mô hình trồng khảo nghiệm dược liệu
Cuối năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê triển khai Dự án trồng khảo nghiệm 1,5 ha cây đẳng sâm, thiên môn đông, cát cánh, đương quy và cỏ ngọt tại 4 xã: Thành An, Xuân An, Tú An và Song An. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 500 triệu đồng, trong đó, thị xã hỗ trợ 305 triệu đồng, còn lại do người dân đóng góp.
Gia đình ông Võ Văn Thông (thôn Thượng An 2) là 1 trong 6 hộ ở xã Song An tham gia trồng khảo nghiệm cây dược liệu. Ông Thông cho biết: “Gia đình tôi trồng 0,5 sào đương quy. Trước khi xuống giống, tôi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt và đang trong giai đoạn tạo củ”.
Tương tự, 0,5 sào thiên môn đông của ông Trần Ngọc Hữu (thôn Xuân An 3, xã Xuân An) cũng đang phát triển tốt. Ông Hữu cho hay: Loại cây này dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao. Sau khi trồng khoảng 18-24 tháng, cây cho thu hoạch. Trong thời gian 4 tháng đầu, ông trồng xen hành, cà rốt vào khoảng trống giữa các cây, còn phần rãnh giữa các luống thì trồng đậu xanh, đậu đen.
“Tôi làm như vậy để lấy ngắn nuôi dài, tạo thêm thu nhập. Sau khi thu hoạch, tôi nhổ đậu phủ lên mặt luống nhằm giữ ẩm và tạo nguồn phân xanh”-ông Hữu chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Hữu (thôn Xuân An 3, xã Xuân An) chăm sóc cây thiên môn đông. Ảnh: Ngọc Minh |
Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1 (xã Tú An) cũng trồng khảo nghiệm 2 sào cỏ ngọt. Ông Lê Văn Bộ-Giám đốc Hợp tác xã-cho biết: Sau gần 4 tháng xuống giống, chúng tôi thấy cây cỏ ngọt hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Hiện Hợp tác xã chuẩn bị thu hoạch lá cây cỏ ngọt và lấy giống trồng thêm 2 sào nữa để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất trà túi lọc, đồng thời cung ứng cho một số công ty dược.
“Hiện nay, trên thị trường, cây cỏ ngọt đang có giá dao động 100-120 ngàn đồng/kg khô. Sau đợt cắt lá đầu tiên thì cứ 4 tháng cây cỏ ngọt cho thu hoạch 200-300 kg lá tươi/sào, mang lại thu nhập trên 12 triệu đồng/sào/năm. Với thời gian thu hoạch liên tục, loại cây này giúp người dân có thu nhập thường xuyên, chủ động tài chính để tái đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống”-ông Bộ nói.
Gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Phan Ngọc Thành, An Khê nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nên có nguồn tài nguyên thực vật phong phú, đa dạng, thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây dược liệu. Việc trồng khảo nghiệm cây dược liệu trên địa bàn thị xã nhằm xác định chủng loại, từng bước hình thành vùng chuyên canh, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.
“Trong thời gian xây dựng Dự án trồng khảo nghiệm cây dược liệu, Trung tâm làm việc với Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai để liên kết bao tiêu sản phẩm. Như vậy, bà con không lo đầu ra, yên tâm sản xuất”-ông Thành thông tin.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng cây dược liệu. Ảnh: Ngọc Minh |
Trao đổi với P.V, ông Phan Vĩnh Tấn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho biết: Qua rà soát, đến cuối năm 2019, toàn thị xã có 48,7 ha cây dược liệu, trong đó có 8,5 ha cà gai leo, 16,7 ha nghệ vàng, 13 ha gừng, 5 ha sả, 5 ha thảo quyết minh và 0,5 ha đinh lăng. Cây dược liệu được trồng ở các xã Tú An, Xuân An, Cửu An, Song An, Thành An và phường An Phước.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về bảo tồn và phát triển cây dược liệu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, An Khê phấn đấu đến năm 2025 quy hoạch phát triển 110 ha cây dược liệu, đến năm 2030 quy hoạch phát triển 173 ha.
“Song song với việc phát triển cây dược liệu, thị xã sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu; khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị. Xây dựng các dự án, mô hình khuyến nông nhằm hỗ trợ giống để phát triển một số loài dược liệu chủ lực làm cơ sở đầu tư phát triển thành vùng nguyên liệu sản phẩm hàng hóa, xây dựng chuỗi giá trị tiềm năng tại địa phương như cà gai leo, đẳng sâm, đương quy, mật nhân... Đồng thời, thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án hoặc hợp tác trồng và bao tiêu sản phẩm dược liệu”-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã thông tin.
NGỌC MINH