Kinh tế

Nông nghiệp

An Khê đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thị xã An Khê đã đạt được những kết quả quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra nguồn thu nhập cao cho người dân, qua đó từng bước phát triển kinh tế địa phương

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã An Khê khóa XVII về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp thị xã đã có sự chuyển dịch đúng hướng và đạt kết quả quan trọng.

Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước (bìa trái) thăm quan mô hình ươm cây giống tại phường An Phú. Ảnh: Minh Thử

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Năm 2019, ông Lê Tấn Đức (tổ 6, phường An Bình) chuyển đổi 6 sào mía sang trồng 600 cây na dai và 130 cây bơ sáp. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau 3 năm, vườn cây cho thu gần 6 tấn quả/năm, mang lại thu nhập cho gia đình gần 90 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

“Sau khi tham quan mô hình cây ăn quả trên địa bàn thị xã do Hội Nông dân phường tổ chức, tôi quyết định chuyển đổi cây trồng. So với mía thì cây ăn quả cho thu nhập cao hơn 50-70 triệu đồng/năm”-ông Đức chia sẻ.

Ông Lê Tấn Đức (tổ 6, phường An Bình) có thu nhập cao hơn 50-70 triệu đồng/năm sau khi chuyển đổi từ cây mía sang trồng cây ăn quả. Ảnh: N.M

Trước đây, ông Thân Xuân Hùng (thôn Tú Thủy 2, xã Tú An) chủ yếu chăn nuôi giống bò địa phương nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2020, ông đăng ký tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi Tú An. Ông và các thành viên trong tổ được tập huấn, hướng dẫn chăn nuôi bò tập trung; chuyển đổi giống bò địa phương sang bò lai.

“Tôi được vay 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua bò giống và xây dựng chuồng trại. Đến nay, tôi có 9 con bò lai sinh sản. Bên cạnh thu nhập từ trồng trọt, gia đình có thêm nguồn thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm từ đàn bò. Ngoài ra, tôi còn sử dụng phân bò ủ mục bón cho cây trồng, giảm chi phí mua phân bón khoảng 10 triệu đồng/năm”-ông Hùng nói.

Ông Phạm Văn Khánh-Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi Tú An-cho biết: “Năm 2020, xã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi Tú An với 25 thành viên chăn nuôi 90 con bò. Đến nay, tổ có 35 thành viên, nuôi 125 con bò. Tận dụng nguồn phân chuồng, 8 hội viên nuôi trùn quế tạo thành vòng tròn chăn nuôi khép kín, nguồn thu nhập tăng thêm 4-6 triệu đồng/người/tháng”.

Theo ông Nguyễn Xuân Toàn-Chủ tịch UBND xã Tú An: Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được UBND xã tích cực triển khai và đạt kết quả khả quan. Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng của xã là 2.036,5 ha. Dù diện tích gieo trồng giảm so với năm 2022 nhưng sản lượng lại tăng là nhờ người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Về chăn nuôi, toàn xã có 1.671 con bò, trong đó có 1.320 con bò lai, chiếm 79% tổng đàn.

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Đến năm 2023, thị xã An Khê đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả như bưởi da xanh, quýt đường, chuối ở xã Song An, Thành An, Cửu An; nhãn, vải ở xã Tú An; một số xã, phường trồng thanh long, xoài, ổi… với tổng diện tích đạt 536 ha. Tổng diện tích cây dược liệu là 89,2 ha. Rau màu canh tác tại các tổ 3, 5, 6, 7 (phường An Bình), tổ 1 (phường An Tân), thôn 5 (xã Thành An) với tổng diện tích hàng chục héc ta. Tổng diện tích mì, mía và cây trồng khác gần 5.000 ha.

Trong chăn nuôi, các hộ từng bước chuyển từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại. Toàn thị xã có 418 con trâu, 13.308 con bò, 18.311 con heo, 19.350 con gia cầm.

Ông Thân Xuân Hùng (bìa phải) thôn Tú Thủy 2, xã Tú An) chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi bò với thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi Tú An. Ảnh: Ngọc Minh

Trên địa bàn thị xã hiện có 11 hợp tác xã với 1.565 thành viên. Các hợp tác xã duy trì hoạt động, giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến nay, các xã đạt từ 10 đến 16 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; 7 thôn đạt 19/19 tiêu chí, 4 làng có từ 15 đến 17 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Trao đổi với P.V, Bí thư Thị ủy Nguyễn Xuân Phước cho biết: Phát huy kết quả đạt được, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành của thị xã tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Các xã, phường và cơ quan chuyên môn liên kết chặt chẽ với đơn vị cung ứng giống cây trồng uy tín để tuyển chọn các loại giống phù hợp với địa bàn, sinh trưởng phát triển tốt, kháng sâu bệnh, có năng suất cao, chất lượng tốt; đồng thời, lựa chọn một số giống rau phù hợp, hướng đến xây dựng vùng sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

“Các cơ quan, ban, ngành có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các xã, phường, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực, có lợi thế của thị xã.

Trên cơ sở khả năng hợp tác, liên kết và các doanh nghiệp, thị xã phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 1-2 mô hình du lịch làng, xã nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn”-Bí thư Thị ủy An Khê thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm