Để ngành nông nghiệp Gia Lai hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhờ tập trung chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng xác định nông nghiệp hàng hóa chủ lực; chủ động tiếp cận, lựa chọn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất... nên ngành nông nghiệp Gia Lai gặt hái nhiều thành công trong năm 2023.

Xung quanh nội dung này, nhân dịp đầu Xuân, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Lưu Trung Nghĩa-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

* P.V: Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật mà ngành nông nghiệp tỉnh đạt được trong thời gian qua?

Ông Lưu Trung Nghĩa-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: L.A

Ông Lưu Trung Nghĩa-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: L.A

- Ông Lưu Trung Nghĩa: Ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặc biệt là những khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), trồng rừng và triển khai các chuỗi liên kết. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nên ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện.

Theo đó, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản năm 2023 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 34.360 tỷ đồng, đạt 96,063% kế hoạch, tăng 2.302 tỷ đồng so với năm 2022.

Trong đó, nông nghiệp tăng 7,37%, thủy sản tăng 8%. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế khi chiếm tỷ trọng 28,27% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực.

Cũng trong năm qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 7.100 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn tỉnh hiện có hơn 48.400 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khoảng 255.670 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn; được cấp 212 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 9.330 ha và 34 mã số cơ sở đóng gói.

Tái cơ cấu ngành chuyển dịch đúng hướng, sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu, nâng cao giá trị, nhất là định hướng sang sản xuất theo chất lượng và phục vụ xuất khẩu. Tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng dần, chiếm 19,1% trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Tình hình dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được kiểm soát. Công tác trồng rừng được quan tâm, ước tỷ lệ che phủ chung năm 2023 đạt 47,33%.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2023 ước đạt 680 triệu USD, tăng 3,03% so với năm 2022. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh như: cà phê, cao su, mì lát, hồ tiêu, cây ăn quả, sản phẩm gỗ… đã có mặt tại gần 50 quốc gia.

Cùng với đó, ngành đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển nông nghiệp như: Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Danh mục các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023-2030.

Về xây dựng NTM, đổi mới tổ chức sản xuất, năm 2023, tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, đạt 55% kế hoạch; 131 thôn, làng đạt chuẩn NTM (trong đó có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số). Các sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, đi kèm với phát triển thương hiệu.

Đến nay, toàn tỉnh có 409 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao của 204 chủ thể. Hình thành các chuỗi liên kết, phát triển sản xuất gắn với chế biến và xác định rõ một số vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến, phát triển các vùng chuyên canh tập trung và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo ra các loại hàng hóa có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được 295 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

* P.V: Trong những thành tựu trên, ông cho biết thêm về kết quả việc chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng, kinh tế tuần hoàn ở trên địa bàn tỉnh?

- Ông Lưu Trung Nghĩa: Gia Lai rất quan tâm kêu gọi, thu hút và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển, hình thành chuỗi liên kết, xây dựng nhà máy chế biến nông-lâm sản trên địa bàn tỉnh. Việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thể hiện qua các ứng dụng ở 4 nhóm hoạt động chính, bao gồm: giám sát, điều khiển, dự báo và hậu cần.

Triển khai thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15-6-2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 25-1-2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 2415/KH-UBND ngày 3-12-2020 của UBND tỉnh về chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở đã ban hành Kế hoạch số 4148/KH-SNNPTNT ngày 10-10-2022 về chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngành nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo đó, về trồng trọt đã ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0 phục vụ công tác thống kê dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng. Phối hợp triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh.

Sử dụng phần mềm để xây dựng và quản lý dữ liệu, thu thập dữ liệu (hồ sơ, định vị GPS...), xây dựng cơ sở dữ liệu (sử dụng phần mềm như Google Earth...). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 212 mã số vùng trồng với tổng diện tích 9.336,61 ha và 34 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất đóng gói khoảng 1.395-1.545 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu.

Trong lĩnh vực chăn nuôi đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới từ chuồng trại, giống, thức ăn, quản lý tự động, phòng-chống dịch bệnh chủ động, xử lý môi trường, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để từng bước phát triển bền vững. Các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và quy mô lớn đã ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu để quản lý quá trình hoạt động sản xuất chăn nuôi của cơ sở; xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, khai báo tình hình dịch bệnh trên hệ thống VAHIS.

Về thủy sản, đã chuyển dần từ hình thức quảng canh sang hình thức nuôi đơn tính, nuôi bán thâm canh, thâm canh trong ao, lồng bè, sử dụng Vitamin và khoáng chất, phòng-chống dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học.

Còn về lâm nghiệp đã sử dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám từ các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh; phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng.

Cùng với đó, việc sử dụng phần mềm bản đồ trên smartphone giúp kiểm lâm viên địa bàn thực hiện việc tuần tra, kiểm tra, quản lý đến từng lô rừng một cách hiệu quả nhất.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 48.416,5 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu trong quản lý, khai thác các công trình thủy lợi; xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực phòng-chống thiên tai; hệ thống giám sát phòng-chống thiên tai; ứng dụng công nghệ số phục vụ tham mưu, chỉ đạo, điều hành.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 18 khu sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích 3.489,6 ha. Toàn tỉnh có 589 nhãn hiệu hàng hóa nông sản đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ; 17 nhãn hiệu, thương hiệu hỗn hợp, 3 chỉ dẫn địa lý đã được cấp văn bằng bảo hộ; 575 nhãn hiệu thông thường; 3 sản phẩm đang làm thủ tục đăng ký bảo hộ.

Đồng thời, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các sàn thương mại điện tử góp phần rất lớn trong việc tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp.

Vườn ươm giống chanh dây của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. Ảnh: Quang Tấn

Vườn ươm giống chanh dây của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ. Ảnh: Quang Tấn

* P.V: Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới mà ngành nông nghiệp cần tập trung thực hiện nhằm tạo bước đột phá mới là gì, thưa ông?

- Ông Lưu Trung Nghĩa: Nhằm tạo bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp Gia Lai sẽ tập trung tăng cường công tác phòng-chống hạn, phòng-chống thiên tai, phòng-chống cháy rừng, phòng-chống cháy cây trồng, chuyển đổi cây trồng vùng hạn kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các địa phương bố trí đầy đủ kinh phí để đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch phòng-chống dịch bệnh của UBND tỉnh, trong đó tập trung cho công tác tiêm phòng các loại vắc xin. Tổ chức họp rà soát, giao kế hoạch trồng rừng cụ thể cho các chủ rừng nhà nước, các doanh nghiệp.

Về xây dựng NTM, hiện nay, các nguồn vốn triển khai thực hiện chương trình năm 2024 tỉnh đã phân bổ chi tiết đến các địa phương, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ban hành quyết định phân bổ kinh phí. Trong đó, đối với các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc thẩm quyền của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành có hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với những vướng mắc thuộc về quy định của Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề xuất bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Sở chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo và tổ chức các hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp năm 2024.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm