(GLO)- Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cùng với triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo ở An Khê (tỉnh Gia Lai) không ngừng được kéo giảm. Nếu đầu năm 2016, toàn thị xã có 669 hộ nghèo (chiếm 4,09%) thì đến cuối năm 2020 giảm còn 246 hộ (chiếm 1,42%).
Quan tâm hỗ trợ nhà ở, sinh kế cho hộ nghèo
Phường An Phú là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2015-2020, phường đã kéo giảm được số hộ nghèo từ 79 xuống còn 28 hộ. Để đạt được kết quả đó, bên cạnh việc tận dụng các nguồn vốn thực hiện công tác giảm nghèo, phường tập trung vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp giúp đỡ các hộ nghèo có vốn kinh doanh, chăn nuôi, sửa chữa, xây mới nhà ở với số tiền gần 1 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
Gia đình chị Đào Thị Nga (tổ 13, phường An Phú) trước kia thuộc diện hộ nghèo, nhà ở tạm bợ. Năm 2017, gia đình chị được địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà và phát triển sản xuất. Chị cho hay: “Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn kinh doanh và xây nhà, gia đình tôi đã thoát nghèo”.
Gia đình chị Phạm Thị Gọn (thôn 4, xã Thành An, thị xã An Khê) được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Ảnh: Ngọc Minh |
Tương tự, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước cùng các Mạnh Thường Quân, gia đình chị Phạm Thị Gọn (thôn 4, xã Thành An) đã có nhà ở kiên cố. Ngoài ra, gia đình chị còn được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Chị chia sẻ: “Tôi sẽ cố gắng chăm sóc, phát triển đàn bò để sớm vươn lên thoát nghèo”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Oanh-quyền Chủ tịch UBND xã Thành An-cho biết: Những năm qua, xã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ hộ nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đến nay, toàn xã chỉ còn 9 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo.
“Để công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu, đạt kết quả, xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách như: miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo theo quy định; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, xã đa dạng hóa nguồn vốn huy động từ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai thực hiện đề án giảm nghèo bền vững”-bà Oanh thông tin thêm.
Tiếp tục kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo
Ông Trần Thanh Hải-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã An Khê-cho biết: Năm 2020, thị xã tập trung các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, từ nguồn vốn do cấp trên hỗ trợ, thị xã đã hỗ trợ bò cho hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cửu An và Xuân An; duy tu, sửa chữa hệ thống kênh mương bê tông xi măng tại làng Nhoi (xã Tú An) với kinh phí 325 triệu đồng.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn 300 triệu đồng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thị xã đã phân bổ cho 2 xã Xuân An và Tú An (150 triệu đồng/xã) để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo làm nhà tiêu hợp vệ sinh.
Thị xã An Khê hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo tại xã Xuân An để phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Ngọc Minh |
Song song với đó, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” thị xã đã xuất 150 triệu đồng để hỗ trợ vốn sản xuất cho 15 hộ nghèo (10 triệu đồng/hộ) tại làng Nhoi, Hòa Bình và Pơ Nang (xã Tú An); hỗ trợ 200 triệu đồng để sửa chữa, xây mới 7 căn nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo. Các chính sách an sinh xã hội nhằm giúp đỡ hộ nghèo an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững cũng được thị xã quan tâm triển khai.
Trong năm 2020, thị xã đã hỗ trợ học phí học tập cho 636 học sinh, sinh viên với số tiền trên 2 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 246 hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền hơn 70 triệu đồng. Hiện nay, 100% người nghèo, cận nghèo ở thị xã được cấp thẻ bảo hiểm y tế, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe, khám-chữa bệnh.
Theo Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thị xã, cùng với các chính sách hỗ trợ, thị xã còn tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Theo đó, năm 2020, toàn thị xã có 183 hộ nghèo và 300 hộ cận nghèo được vay với tổng dư nợ trên 16 tỷ đồng.
“Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2021 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,4%, thị xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững; thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo. Đồng thời, lồng ghép việc thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới”-ông Hải thông tin.
NGỌC MINH