Video

Văn hóa

An Khê: Khởi công Khu lưu niệm Anh hùng Đỗ Trạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 12-3, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) tổ chức khởi công công trình Khu lưu niệm Anh hùng Đỗ Trạc tại thôn An Bình, xã Cửu An.

Tượng đài Anh hùng Đỗ Trạc trong hoa viên trụ sở UBND xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Theo đó, công trình có tổng diện tích 4.000 m2, gồm các hạng mục: Nhà lưu niệm, sân, cổng, hàng rào và khuôn viên cây xanh. Tổng kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng. Dự kiến tháng 9-2023 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; thể hiện sự tri ân, tưởng nhớ, ghi ơn của cán bộ, người dân An Khê với sự hy sinh to lớn của Anh hùng Đỗ Trạc cho quê hương, đất nước.

Theo tư liệu, Anh hùng Đỗ Trạc sinh năm 1921 trong gia đình nông dân ở thôn An Điền Bắc, xã Cửu An, huyện An Khê (nay là thị xã An Khê. Năm 1937, ông thi đỗ vào trường trung học ở Huế. Tại đây, Đỗ Trạc chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những biến động xã hội và những hoạt động cách mạng của các chiến sĩ cộng sản trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ ở Huế.

Năm 1941, Đỗ Trạc về An Khê với ý thức góp sức mở mang dân trí. Ông mở cửa hàng cho thuê sách báo, mở hiệu thuốc chữa bệnh cho người dân, dựng lò gạch để sản xuất vật liệu, sắm xe bò để vận chuyển vật liệu kiếm sống và luôn hướng tới về cách mạng. Tấm lòng yêu quê hương, đất nước và lý tưởng cách mạng trong sáng là cơ sở cho những hành động tích cực của ông trong phong trào cách mạng ở địa phương.

Các đồng chí lãnh đạo thị xã An Khê, xã Cửu An dự lễ khởi công công trình Khu lưu niệm Anh hùng Đỗ Trạc tại thôn An Bình, xã Cửu An. Ảnh: Ngọc Minh

Ngày 25-11-1945, đồng chí Phan Thêm-đặc phái viên của Xứ ủy Trung bộ ở Tây Nguyên tổ chức thành lập chi bộ Đảng gồm 3 đồng chí: Đỗ Trạc, Ngô Thành và Hồ Thượng Hiền, cử đồng chí Đỗ Trạc làm Bí thư chi bộ. Như vậy, đồng chí Đỗ Trạc là Bí thư chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở An Khê.

Tháng 1-1947, trên đường đi công tác ở làng Cửu Đạo (nay thuộc xã Xuân An, thị xã An Khê), đồng chí Đỗ Trạc bị địch bắt. Biết đồng chí là cán bộ quan trọng ở địa phương, quân Pháp và bọn tay sai dùng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn dã man, hòng tìm ra các cơ sở bí mật của ta. Nhưng trước tinh thần kiên trung, bất khuất của người chiến sĩ cộng sản, địch phải buông tay. Ngày 7-3-1947, chúng đã đưa đồng chí ra xử bắn tại sân vận động An Khê (nay hoa viên Quang Trung, thị xã An Khê).

Năm 2018, đồng chí Đỗ Trạc được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng bộ xã Cửu An đã dựng tượng đài Anh hùng Đỗ Trạc trong hoa viên trước trụ sở UBND xã. Trên địa bàn thị xã An Khê, tên ông được thị xã đặt cho một số trường học và tuyến đường chính để đời đời con cháu tạc dạ, nhớ ơn.

Có thể bạn quan tâm