Đường về men theo quốc lộ 14 hướng đi Đắk Lắk, qua nhà thờ Phú Quang một đoạn ngắn, rẽ trái sẽ thấy một con đường dẫn vào rẫy.
Con đường về làng (ảnh minh họa) |
Trước kia, nó là một con đường đất nhỏ dẫn vào làng của đồng bào Jrai. Dọc đường đầy những cây bời lời xanh tốt làm hàng rào tự nhiên của những hộ trồng hồ tiêu. Mùa khô, đường gồ ghề những sống trâu in vết dấu từ mùa mưa trước. Thỉnh thoảng, vài cơn gió chướng nổi lên khiến bụi bay đỏ lừ.
Vào mùa mưa, đường đi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đất ngấm nước lâu ngày nhão nhẹt, tạo nên một thứ bùn quánh đỏ, lại bị những chiếc xe công nông, xe máy cày băm nát, lầy lội tưởng chừng không đi nổi. Chúng tôi chỉ còn cách gửi xe, chân trần lội bộ và việc phải “bắt ếch” cũng là chuyện thường. Vì là đường độc đạo nên dù khó chúng tôi vẫn phải đi. Vừa đi vừa rủ rỉ trò chuyện, mãi rồi cũng về đến nhà.
Sau 20 năm, con đường đã mang một diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp. Đường được mở rộng và trải nhựa phẳng lì. Hai bên đường, nhiều ngôi nhà mới mọc lên. Chúng tôi lái xe chầm chậm, thư thả ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Chỉ vài phút sau, tôi đã nhận ra đám rẫy nhà mình ngày ấy. Cảm xúc như vỡ òa trong tôi, một cảm giác thân thuộc ùa về.
Đang là giữa buổi chiều, trời hanh hanh nắng, con đường trở nên vắng vẻ. Sự xuất hiện của chị em tôi gây chú ý với một số người đang ngồi hóng gió trước hiên nhà. Chúng tôi gặp lại vài người hàng xóm cũ, tay bắt mặt mừng hỏi thăm nhau. Không khó để tôi tìm thấy vị trí ngôi nhà gỗ cũ mà giờ đây được thay thế bằng ngôi nhà xây chắc chắn. Chúng tôi mạnh dạn bước vào hỏi thăm. Thật may cô chú mua lại nhà và đám rẫy của gia đình tôi năm xưa vẫn ở đó. Sau bao năm, họ đã tạo dựng nên một vườn cây sum suê hoa trái và nuôi các con ăn học nên người.
Từ ngôi nhà nhìn ra phía trước, con đường đến ngôi làng người Jrai vẫn như xưa, cong cong hình cánh võng. Tim tôi rộn ràng, mắt háo hức nhìn ngắm xung quanh. Cảnh vật thân quen hiện ra đẹp như một bức tranh. Vẫn còn đó những chân ruộng bậc thang lúa đương thì con gái xanh mướt, uốn lượn gối tiếp nhau ôm trọn quả đồi. Điểm thấp nhất của con đường là nơi dòng suối chảy qua. Cây cầu gỗ ngày xưa đã được thay thế bằng đập tràn có cống bê tông.
Chúng tôi vượt qua con đập rồi dừng xe lại nơi đầu dốc. Em gái tôi chỉ tay bảo: “Đám rẫy này ngày xưa là của nhà mình. Tại đây, em đã được nghe một cô bé người Jrai hát. Giọng hát vút lên trong trẻo giữa bao la ruộng lúa, núi đồi. Chỉ duy nhất lần đó thôi mà em nhớ mãi đến tận bây giờ”.
Tôi len lỏi giữa 2 hàng bắp đang kỳ đậu hạt, nghe xạc xào lá lay trong gió chiều. Hương bắp non dịu nhẹ lẩn khuất đâu đây. Chúng tôi chẳng cần nói gì nhiều với nhau, nhưng chắc hẳn là cả hai đang dạt dào cảm xúc khi về lại nơi này. Trong tôi dậy lên những ký ức về một thời tuổi trẻ gắn bó với con đường, ruộng rẫy, hàng cây. Từ miền đất đỏ, chúng tôi đã lớn khôn và trưởng thành. Để giờ phút tìm về, trái tim vẫn ngân lên bao khúc vọng bồi hồi, xuyến xao.