(GLO)- Để góp phần đảm bảo hiệu quả sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021, ngành Nông nghiệp và PTNT thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã triển khai đồng bộ các giải pháp tránh hạn cuối vụ cho cây trồng.
Vụ mùa 2020, nông dân thị xã An Khê chịu thiệt hại nặng do thiên tai. Theo thống kê, toàn thị xã có hơn 2.864 ha cây trồng bị ảnh hưởng, trong đó có gần 607 ha bị giảm trên 70% năng suất, gần 2.258 ha thiệt hại 50-70%.
Ông Nguyễn Hùng Cường-Trưởng phòng Kinh tế thị xã-cho biết: Ngay sau khi kết thúc vụ mùa, thị xã đã triển khai hỗ trợ giống, phân bón cho các hộ bị thiệt hại để bà con có điều kiện khôi phục sản xuất. Theo đó, Phòng đã cấp phát 3.990 kg giống lúa ĐT100, gần 3.992 kg giống lúa NH6 và hơn 219.800 kg phân bón cho người dân.
Cùng với đó, UBND thị xã chỉ đạo các địa phương định hướng, hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác, lịch thời vụ, cơ cấu giống một số cây trồng chính, cách phòng trừ sâu bệnh và triển khai các biện pháp phòng-chống hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương theo dõi tình hình khô hạn, thiếu hụt nguồn nước ở từng khu vực để có những giải pháp điều tiết nước hợp lý cũng như khuyến cáo người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, ứng dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Trương Văn Tuấn (thôn 3, xã Thành An) đầu tư hệ thống béc tưới để chống hạn vào cuối vụ. Ảnh: Quang Tấn |
Để tránh hạn vào thời điểm cuối vụ, anh Trương Văn Tuấn (thôn 3, xã Thành An) đã đầu tư gần 10 triệu đồng lắp đặt hệ thống béc tưới tiết kiệm trên 3 sào ớt của gia đình. Anh Tuấn cho hay: “Hệ thống này không những tiết kiệm đáng kể lượng nước mà còn tạo cho đất độ ẩm đồng đều, tơi xốp nên cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn”.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, vụ Đông Xuân 2020-2021, gia đình chị Đào Thị Lý (thôn Cửu Đạo, xã Tú An) đã chủ động làm đất, xuống giống sớm hơn 10 ngày nhằm tránh hạn cuối vụ. Chị Lý cho biết: “Ngay khi kết thúc vụ mùa, gia đình bắt tay ngay vào làm đất, cày phơi ải và tiến hành xuống giống lúa Đông Xuân khi có nước. Đến nay, 2 sào lúa của gia đình chị đang sinh trưởng và phát triển tốt”.
Gia đình chị Đào Thị Lý (thôn Cửu Đạo, xã Tú An) chủ động gieo sạ lúa sớm để tránh hạn vào cuối vụ. Ảnh: Quang Tấn |
Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã, ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2020-2021, các xã, phường huy động người dân nạo vét kênh mương, gia cố và nâng cấp các công trình thủy lợi để chủ động nguồn nước tưới. Hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 170 công trình thủy lợi, trong đó có 5 công trình lớn gồm: đập Bến Tuyết (phường An Phú), đập Hòn Cỏ (xã Song An), đập Lớn Bầu Dồn (xã Thành An), đập Lớn Sình (xã Cửu An) và đập Pnang (xã Tú An). Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hồ, đập đã tích đủ nước theo thiết kế và đảm bảo cung cấp nước cho người dân sản xuất.
“Thời gian tới, Phòng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi một số diện tích lúa không chủ động nguồn nước sang trồng các loại cây khác cần ít nước hơn. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình sản xuất phù hợp như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng và giảm chi phí, hạ giá thành, tăng lợi nhuận. Đặc biệt, Phòng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết, sử dụng nguồn nước sản xuất hợp lý, đưa các giống cây trồng ngắn ngày, có khả năng chống hạn và đạt năng suất cao vào gieo trồng”-Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê thông tin thêm.
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2020-2021, thị xã An Khê gieo trồng 5.190 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước 489 ha, mì 850 ha, rau các loại 965 ha, cây ăn quả 595 ha, mía trồng mới 200 ha… Đến nay, nông dân các xã, phường trên địa bàn thị xã đã gieo trồng được hơn 1.927 ha cây trồng các loại, đạt 37,5% kế hoạch. |
QUANG TẤN