Đô thị

Nhịp sống Đô thị

An Khê quyết tâm đạt chuẩn đô thị loại III

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 20 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thị xã, quân và dân An Khê luôn đoàn kết, phát huy nội lực, trí tuệ, bản lĩnh cách mạng, khai thác tiềm năng thế mạnh và lập nên nhiều thành tích vẻ vang. Trong hành trình đi tới, An Khê phấn đấu đạt được nhiều kết quả to lớn, toàn diện hơn nữa, quyết tâm đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2025.

Những kết quả nổi bật

Thị xã An Khê được thành lập theo Nghị định số 155/2003/NĐ-CP ngày 9-12-2003 của Chính phủ. Khi ấy, thị xã có 8 đơn vị hành chính (4 xã, 4 phường) với 62.600 khẩu. Những năm đầu thành lập, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc thị xã An Khê gặp không ít khó khăn bởi kinh tế địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, phương thức canh tác chậm đổi mới; hệ thống hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người thấp so với cả nước; an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành, 20 năm qua, cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thị xã An Khê đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều kết quả nổi bật trên lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.

Khu trung tâm hành chính thị xã An Khê. Ảnh: Q.T

Khu trung tâm hành chính thị xã An Khê. Ảnh: Q.T

Giai đoạn 2004-2022, kinh tế của thị xã đạt tốc độ tăng trưởng 12-14,81%/năm. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt hơn 11.519 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 8,59%; công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ chiếm 91,41%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2023 đạt 8.309 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 30,34 lần so với năm 2003.

Ngành công nghiệp vật liệu có nhiều bước tiến, nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm có chất lượng ngày càng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu xây dựng của người dân. Thị xã thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng công trình: Nhà máy điện sinh khối An Khê, Công ty nước Sài Gòn-An Khê, Xí nghiệp cơ giới nông nghiệp An Khê, góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu cho địa phương. Giá trị sản xuất thương mại-dịch vụ năm 2023 đạt hơn 7.269 tỷ đồng, gấp 48,08 lần so với năm 2003.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Năm 2011, thị xã triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại 5 xã. Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, đến năm 2020, thị xã An Khê được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Với kết quả đạt được, thị xã tiếp tục quan tâm triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Hiện các xã đã đạt 8-15/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Thị xã tích cực tổ chức xây dựng 4 làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tú An và Song An.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai kịp thời. Nếu năm 2003, số hộ đói nghèo chiếm 5,5% thì đến năm 2005, thị xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%. Đến tháng 9-2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,42% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Thị xã đặc biệt quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ năm 2018 đến nay, thị xã phối hợp với Ban Chỉ đạo 515 tỉnh tìm kiếm, quy tập, tổ chức truy điệu và an táng 213 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tú Thủy, Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã trang trọng, chu đáo.

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng đảm bảo. Mạng lưới y tế từ thị xã đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng khám-chữa bệnh được nâng cao. Toàn thị xã có 218 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 49 bác sĩ. Số bác sĩ/vạn dân tăng từ 3,8 năm 2005 lên 7,13 năm 2023. Năm 2008, thị xã là đơn vị đầu tiên của tỉnh có 100% trạm y tế xã, phường được Bộ Y tế công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động bảo hiểm y tế được mở rộng, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2023 đạt 93%.

Chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Năm 2005, thị xã chỉ có 2/35 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 5,7%) thì đến cuối năm 2023 có 27/28 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 (chiếm 96,43%). Đến năm 2023, ngành Giáo dục thị xã có 100% giáo viên đạt chuẩn, 74% giáo viên có trình độ trên chuẩn, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại III

An Khê được xem là cái nôi của người Việt. Nơi đây, năm 1771, anh em nhà Tây Sơn đã tụ nghĩa, dấy binh chống lại chúa Nguyễn ở Đàng Trong rồi sau đó lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trải qua năm tháng, vùng đất An Khê-Tây Sơn Thượng đạo lưu dấu nhiều trầm tích văn hóa độc đáo, đa dạng không nơi nào có được. Thị xã hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá; 1 bảo vật quốc gia (công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê có niên đại cách đây 800 ngàn năm) và 17 điểm di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo và di tích sơ kỳ Đá cũ gắn với khôi phục, nâng tầm các lễ hội truyền thống được đẩy mạnh. Công tác nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm. Công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tôn tạo và nâng cấp các di tích gắn với khai thác, phát triển và bảo vệ tài nguyên du lịch được chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt.

Bên cạnh đó, thị xã chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2011 đến năm 2020, thị xã đã cử 1.886 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Toàn thị xã hiện có 29 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học; 932 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đại học, cao đẳng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một góc thị xã An Khê ngày nay. Ảnh: Ngọc Minh

Một góc thị xã An Khê ngày nay. Ảnh: Ngọc Minh

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử cơ bản được triển khai đồng bộ, hiệu quả với 12 trang/cổng thông tin điện tử trên toàn thị xã. 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường sử dụng đầy đủ các chức năng cơ bản của hệ thống quản lý văn bản điều hành dùng chung cho toàn tỉnh và đã liên thông kết nối đến Trung ương; 100% phòng, ban chuyên môn và UBND xã, phường thực hiện văn bản điện tử ký số. Mạng lưới bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin ngày càng hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của địa phương; 100% xã, phường trên địa bàn được phủ sóng điện thoại di động, mạng 3G/4G và internet cố định; tổng số thuê bao điện thoại trên địa bàn khoảng 70.000, đạt 110 thuê bao/100 dân.

Hoạt động văn hóa-thông tin, thể dục thể thao ngày càng phát triển; công tác tuyên truyền bám sát thực tiễn, kịp thời chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương. Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được chú trọng. Tỷ lệ gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, cơ quan văn hóa hàng năm tăng cả về số lượng và chất lượng.

20 năm qua, thị xã đã tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện và quản lý lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh được triển khai thực hiện nghiêm, đảm bảo kế hoạch. Công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hàng năm đạt chỉ tiêu trên giao. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã chủ động nắm chắc tình hình ngay từ cơ sở, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý có hiệu quả các tình huống phát sinh, các vụ việc liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện trong Nhân dân.

Thị xã cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12-1-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã khóa XVI về một số chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xây dựng An Khê trở thành đô thị loại III. Đến nay, thị xã đã đạt 48/59 tiêu chuẩn đô thị loại III (miền núi). Hệ thống hạ tầng đô thị được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III và vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã An Khê vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì năm 2005, Huân chương Lao động hạng nhất năm 2013, Huân chương Lao động hạng ba năm 2022, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005, cờ truyền thống năm 2013. Thành quả này là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã tiếp tục phấn đấu xây dựng An Khê trở thành đô thị loại III vào năm 2025.

NGUYỄN HÙNG VỸ

Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã

Có thể bạn quan tâm