Kinh tế

Nông nghiệp

An Khê: Tập trung phòng trừ bệnh khảm lá vi rút hại mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước tình hình bệnh khảm lá vi rút hại mì có dấu hiệu gia tăng, ngành chức năng thị xã An Khê (Gia Lai) đang triển khai các giải pháp phòng trừ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê, trên địa bàn thị xã có khoảng 2.425 ha mì với các giống như: KM94, KM140, KM419, KM98-5 và HL-S11. Qua khảo sát tại xã Thành An, ngành chức năng đã phát hiện một số diện tích nghi nhiễm bệnh khảm lá vi rút gây hại trên giống mì KM419. Theo đó, Trung tâm đã lấy mẫu gửi Phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh) giám định và xác định đây là bệnh khảm lá vi rút hại mì. Mở rộng điều tra sơ bộ tại các xã, phường trên địa bàn, tính đến đầu tháng 7, diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút là 25,5 ha (trong đó nhiễm nhẹ 22,43 ha, trung bình hơn 3 ha), tăng 6,15 ha so với tháng 6. Diện tích mì bị bệnh khảm lá tập trung chủ yếu tại các xã: Thành An, Tú An, Xuân An, Cửu An. Giống mì bị nhiễm bệnh chủ yếu là KM419, KM98-5, HL-S11. Hiện tại, cơ quan chuyên môn đã phòng trừ được 0,5 ha giống KM419 tại xã Thành An.
 Một rẫy mì bị bệnh khảm lá vi rút tại phường An Phước. Ảnh: N.D
Một rẫy mì bị bệnh khảm lá vi rút tại phường An Phước. Ảnh: N.D
Ông Huỳnh Công Long (phường Ngô Mây) cho biết: “Gia đình tôi trồng 6 ha mì tại phường An Phước và chuyên cung cấp giống cho người dân các huyện phía Đông. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xuất hiện bệnh khảm lá vi rút hại mì nhưng không nhiều. Hiện chưa có thuốc đặc trị nên chỉ trông chờ có mưa xuống để rửa trôi mầm bệnh”.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân gây bệnh khảm lá vi rút hại mì là do nông dân mở rộng diện tích, nguồn hom giống tại chỗ thiếu nên người dân mua giống mì từ các địa phương khác về trồng. Bên cạnh đó, mức độ đầu tư thâm canh còn thấp, chưa đảm bảo quy trình, người dân lại ít thăm đồng, không phòng trừ bọ phấn trắng, không tiêu hủy cây bệnh… Đặc biệt, khi phát hiện bệnh gây hại mì thì không kịp thời báo chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để phối hợp xử lý. Trong thời gian tới với điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho bọ phấn trắng phát triển. Vì vậy nếu không chủ động phòng trừ và tiêu hủy diện tích mì nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây lan trên diện rộng.
Trao đổi với P.V, ông Phan Ngọc Thành-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Khê-cho biết: Đơn vị đang tập trung chỉ đạo tiêu hủy những diện tích bị nhiễm bệnh theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp và PTNT. Cũng theo ông Thành, khó khăn hiện nay là một số xã, phường chưa chủ động kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích mì bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các hộ dân có diện tích mì bị nhiễm bệnh không tiêu hủy và không phối hợp với cán bộ kỹ thuật trong công tác phòng trừ.
“Thời gian tới, UBND thị xã sẽ chỉ đạo các xã, phường điều tra nắm bắt diện tích bị nhiễm bệnh để hướng dẫn phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ những hộ có diện tích bị nhiễm nặng phải tiêu hủy. Các cơ quan chuyên môn và xã, phường kiểm soát chặt chẽ giống mì trong niên vụ 2019-2020. Nhà máy sản xuất tinh bột mì Gia Lai (cơ sở 2 tại thị xã An Khê) cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Trung tâm và các xã, phường điều tra, thống kê diện tích bị nhiễm bệnh trên phạm vi vùng nguyên liệu của Nhà máy, hỗ trợ chi phí tập huấn, phòng trừ và tiêu hủy. Đặc biệt, có chính sách thu mua sớm những diện tích mì bị nhiễm bệnh nhẹ và những diện tích trồng các giống mì bị nhiễm bệnh đã có củ lớn”-ông Thành cho biết thêm.
 NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm