(GLO)- Từ giữa tháng 4-2022 đến nay, lĩnh vực thương mại-dịch vụ của thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) phục hồi mạnh mẽ. Nếu 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại-dịch vụ chỉ hơn 1.702 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm nay tăng lên 2.478 tỷ đồng.
Kinh doanh, buôn bán nhộn nhịp
Trung tâm Thương mại thị xã An Khê có hơn 300 hộ kinh doanh, buôn bán. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khoảng 50% tiểu thương phải tạm thời ngừng kinh doanh. Khi dịch bệnh được kiểm soát, Trung tâm trở nên nhộn nhịp người mua, người bán. Sắp xếp hàng hóa vừa nhập về lên kệ, chị Trần Thị Hoa-tiểu thương bán đồ khô-cho hay: “Tuy vẫn còn khó khăn trong buôn bán nhưng lượng khách ngày một đông. Chúng tôi rất phấn khởi. Hy vọng từ nay đến cuối năm, việc buôn bán được thuận lợi, hanh thông”.
Hơn 2 tháng qua, hàng chục hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống dọc tuyến đường Hai Bà Trưng (tổ 7, phường Tây Sơn) cũng vui mừng khi công việc dần trở lại bình thường như trước. Bà Nguyễn Thị An tâm sự: “Tôi bán bánh canh hơn 10 năm. Từ năm 2020 đến giữa tháng 4-2022, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên gia đình đóng cửa hàng. Nay tình hình ổn định, tôi mở lại quán, khách hàng tấp nập đến ủng hộ”.
Hiện nay, Trung tâm Thương mại thị xã An Khê nhộn nhịp người bán, người mua. Ảnh: Ngọc Minh |
Còn anh Võ Xuân Tâm-Chủ quán karaoke Ngọc Tâm (tổ 6, phường An Phú) thì chia sẻ: “Tôi vừa đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua máy móc, sơn sửa lại phòng hát đáp ứng nhu cầu khách hàng. Quán có 14 phòng hát. Hy vọng từ nay tới cuối năm, tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc”.
An Phú là phường trung tâm của thị xã An Khê với 340 cơ sở thương mại, 154 cơ sở dịch vụ, 44 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 7 cơ sở vận tải. Đến nay, tất cả cơ sở kinh doanh, buôn bán đã hoạt động bình thường. Ông Trần Ngọc Vũ Tùng-Chủ tịch UBND phường An Phú-thông tin: “6 tháng đầu năm nay, tình hình phát triển thương mại-dịch vụ trên địa bàn ổn định, chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, mua sắm của người dân”.
Thương mại-dịch vụ tăng trưởng khá
An Khê hiện có 1.247 hộ đăng ký kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, toàn thị xã có 21 doanh nghiệp thành lập mới. Nhờ công tác phòng-chống dịch Covid-19 hiệu quả nên lĩnh vực thương mại-dịch vụ có mức tăng trưởng khá. Nếu 6 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại-dịch vụ (theo giá so sánh năm 2010) chỉ hơn 1.702 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm nay tăng lên 2.478 tỷ đồng.
Ông Phan Vĩnh Tấn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho biết: “Từ đầu năm đến nay, thị xã đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng website, phần mềm ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tăng cường thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tích cực cho việc phục hồi, phát triển kinh tế”.
Các tổ chức tín dụng tại thị xã An Khê hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh: Ngọc Minh |
Cũng theo ông Tấn, từ nay đến cuối năm, thị xã triển khai các biện pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức tham gia những chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm do sở, ngành tổ chức. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu; tích cực triển khai chương trình bình ổn thị trường theo quy định. Bên cạnh đó, thị xã tăng cường liên kết vùng gắn với bảo tồn, phát huy và khai thác có hiệu quả các giá trị lịch sử-văn hóa trên địa bàn, nhất là Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá. Thị xã tiếp tục phối hợp với huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) trong việc kết nối 2 điểm Di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo và Tây Sơn Hạ đạo với các địa phương để hình thành các tuyến du lịch như: nông nghiệp, sinh thái, ẩm thực, cộng đồng...
Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND thị xã An Khê Nguyễn Hùng Vỹ thông tin: “Chúng tôi đang tiếp tục kêu gọi đầu tư để phát triển hạ tầng thương mại, phát triển mạng lưới buôn bán và quản lý, khai thác hiệu quả Trung tâm Thương mại thị xã. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đẩy nhanh việc chuyển đổi số; phát triển hạ tầng viễn thông đến thôn, làng, tổ dân phố; cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho các đối tượng theo quy định góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.
NGỌC MINH