Kinh tế

Nông nghiệp

An Khê: Ưu tiên xây dựng hợp tác xã kiểu mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để giúp nông dân hiểu rõ tầm quan trọng của hợp tác xã (HTX) kiểu mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, thời gian qua, thị xã An Khê đã tăng cường tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu những kiến thức về thành lập và quản lý HTX nhằm phát triển mô hình này ở tất cả các xã, phường trên địa bàn.

Hợp tác xã gặp khó

Hợp tác xã Nông nghiệp Tú An 1 (xã Tú An, thị xã An Khê) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8-2017 với các ngành nghề chính như: mua bán nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp, vận tải… Hợp tác xã có 20 thành viên, tổng vốn điều lệ là 200 triệu đồng. Đến thời điểm này, các thành viên mới đóng góp được 120 triệu đồng. Ông Lê Văn Bộ-Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An 1, chia sẻ: “Vẫn còn một số thành viên thờ ơ, chưa mặn mà gia nhập HTX, chưa tin tưởng vào sự điều hành của Ban Chủ nhiệm, còn e dè việc góp vốn vì chưa nhìn thấy hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng khá vất vả”.

 

TS. Trần Minh Hải (thứ ba từ trái qua) cùng đoàn đại biểu đi khảo sát và tư vấn trực tiếp cho các hộ trồng hoa ở phường Ngô Mây (thị xã An Khê). Ảnh: N.M
TS. Trần Minh Hải (thứ ba từ trái qua) cùng đoàn đại biểu đi khảo sát và tư vấn trực tiếp cho các hộ trồng hoa ở phường Ngô Mây (thị xã An Khê). Ảnh: N.M

Ông Trần An Đình-Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Rau an toàn An Bình (phường An Bình, thị xã An Khê) là người có thâm niên trong việc quản lý HTX nhưng khi bắt tay vào điều hành HTX hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 cũng thừa nhận gặp khó. “Vì còn thiếu kinh nghiệm điều hành HTX kiểu mới nên khá lúng túng, việc áp dụng các quy trình, quy định theo Luật năm 2012 vào thực tiễn còn yếu. Giá cả, đầu ra sản phẩm chưa ổn định làm cho các thành viên không yên tâm sản xuất, các hộ làm rau tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi còn thiếu”-ông Đình cho biết.

Theo thống kê, thị xã An Khê hiện có 11 HTX. Trong năm 2017, thị xã đã thành lập mới 5 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng số thành viên tham gia HTX trên địa bàn đến thời điểm này là 2.540 người. Thực trạng khó khăn của các HTX hiện nay cũng được lãnh đạo địa phương thừa nhận. “Hiện tại một số người dân còn có ấn tượng không tốt về HTX kiểu cũ nên chưa mặn mà, còn hoài nghi về tính hiệu quả, lợi ích đem lại từ mô hình HTX”-bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê, nhận định.

Làm cách nào để gỡ “nút thắt”?

Theo ông Văn Ngọc Bằng-Giám đốc điều hành HTX Cửu An 1, để HTX hoạt động tốt thì những người đứng đầu cần nắm vững những kiến thức về HTX kiểu mới, thường xuyên trao đổi, chia sẻ nhiều hơn với các thành viên trong HTX. “Ban Quản trị phải luôn đặt lợi ích của các thành viên lên hàng đầu. Việc chia tổ giao việc cụ thể cũng làm cho hiệu quả sản xuất tăng lên. Cũng nên đa dạng ngành nghề kinh doanh để bổ trợ cho nhau. Ngoài ra, các thành viên có thể giúp nhau bằng cách “người có của, kẻ có công”, khi chia lợi nhuận được hưởng công bằng trên sản phẩm làm ra”-ông Bằng nêu ý kiến.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, nên dựa vào chính những lợi thế có sẵn của địa phương và mở rộng hợp tác, liên doanh với các doanh nghiệp để các HTX phát triển bền vững. Giám đốc HTX Rau an toàn An Bình chia sẻ: “HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Tâm Nguyên từ tháng 8-2017 để tiêu thụ rau cho các thành viên. Đến nay, trên 20 tấn rau các loại đã được tiêu thụ. Giá bán thường cao hơn thị trường 10-20%”.

Đề cập đến chủ trương phát triển HTX kiểu mới, Bí thư Thị ủy An Khê cho biết: Hướng đi chính của nông nghiệp An Khê là thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển hiệu quả HTX. Để làm được điều này, từ năm 2016, thị xã đã có chính sách hỗ trợ dự án rau VietGAP. Đến nay, mô hình đã mở rộng được 17,6 ha với 26 chủng loại rau đạt chuẩn VietGAP. Để giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động cũng như bổ trợ thêm thông tin cần thiết nhằm định hướng các HTX hoạt động hiệu quả, thị xã đã mời TS. Trần Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác (Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II-Bộ Nông nghiệp và PTNT) tập huấn về kinh tế hợp tác HTX cũng như truyền đạt các chủ trương, hệ thống văn bản, các ưu đãi trong nông nghiệp cho 300 người dân tại thị xã An Khê.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê: “Lợi ích của HTX đem lại là tập hợp được những người dân có cùng mong muốn, sở thích, liên kết chuỗi cung ứng dịch vụ và chia sẻ lợi nhuận cho các thành viên tham gia”.

Hiện tại, thị xã đã xây dựng được nhóm nòng cốt trong cộng đồng gồm 30 người ở các xã: Thành An, Cửu An và các phường: An Bình, Ngô Mây, An Phước. Bên cạnh đó, tập huấn chuyên sâu, nâng cao cho 6 chuyên viên, 30 nòng cốt từ các xã, phường với phương pháp phát huy nội lực từ cộng đồng do người dân làm chủ; tập huấn quy trình và các bước thành lập HTX, tiếp cận cơ sở mới về ưu đãi nông nghiệp cho 300 cán bộ, công chức và nông dân; khảo sát và tư vấn trực tiếp cho HTX Rau An Bình và Tú An, hướng dẫn khảo sát chuẩn bị thành lập 2 HTX kiểu mới.

Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm