Điểm đến Gia Lai

An Phú quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ xã An Phú (TP. Pleiku) tập trung lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao đời sống người dân và xây dựng nông thôn mới tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Xã An Phú có 2 làng DTTS, tỷ lệ người DTTS chiếm 14% dân số toàn xã. Để góp phần nâng cao đời sống người dân tại các làng, hệ thống chính trị xã đã tích cực triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Thi công đường bê tông nông thôn tại xã An Phú, TP. Pleiku. Ảnh: T.N

Thi công đường bê tông nông thôn tại xã An Phú, TP. Pleiku. Ảnh: T.N

Ông Ơn-Trưởng thôn Bông Phrao-cho hay: Làng hiện có 146 hộ với 627 khẩu. Mấy năm gần đây, xã đã phân bổ kinh phí cho làng 200 triệu đồng để làm 4 căn nhà “Đại đoàn kết”. Bên cạnh đó, UBND xã hỗ trợ 153 triệu đồng cho 24 hộ để phát triển chăn nuôi bò, heo. Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng hỗ trợ 130 triệu đồng cho 9 hộ để đầu tư chăn nuôi heo và bò.

Theo bà Phạm Thị Bắc-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã kiêm Bí thư Chi bộ làng Bông Phrao: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận làng thống nhất phân công từng thành viên, mỗi đoàn thể xây dựng nội dung, nhiệm vụ liên quan của tổ chức mình để tuyên truyền, vận động người dân đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, triển khai các mô hình cải tạo vườn tạp, trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê, trồng cây ăn quả, áp dụng mô hình tưới tiết kiệm nước, chăn nuôi heo sinh sản...

Qua triển khai các phong trào thi đua, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa đạt trên 90%. Làng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022 và nhiều năm được UBND thành phố công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”.

Diện mạo khởi sắc của làng Bông Phrao xã An Phú, TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật

Diện mạo khởi sắc của làng Bông Phrao xã An Phú, TP. Pleiku. Ảnh: Thanh Nhật

Còn làng Thung Dôr có 212 hộ với 955 khẩu, trong đó, hơn 95% theo đạo Tin lành sinh hoạt tại Chi hội Plei Thung Dôr. Các ngành, đoàn thể của xã phối hợp cùng Ban Nhân dân thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con sinh hoạt đạo theo đúng các quy định pháp luật, sống “tốt đời-đẹp đạo”, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ông Y Băn-Trưởng thôn Thung Dôr-cho hay: “Người dân trong làng ngày càng tự giác thực hiện các quy định về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và sinh hoạt cộng đồng. Thung Dôr liên tục 8 năm liền được UBND TP. Pleiku công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”.

Người dân quan tâm bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Hiện 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Làng còn 4 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, làng quyết tâm đưa các hộ này ra khỏi diện nghèo, cận nghèo trong thời gian sớm nhất”.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Những năm qua, UBND xã An Phú đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku khóa XII về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Hiệp-Chủ tịch UBND xã An Phú: Xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sinh vật gây hại, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), giảm dần sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học vào sản xuất; chú trọng các khâu sau thu hoạch nhằm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông dân xã An Phú TP. Pleiku phát triển vùng chuyên canh rau kết hợp mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thanh Nhật

Nông dân xã An Phú TP. Pleiku phát triển vùng chuyên canh rau kết hợp mô hình tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thanh Nhật

“Đặc biệt, xã đã và đang triển khai xây dựng một số công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Địa bàn xã hiện có hơn 11,4 ha rau, hoa các loại trong nhà lồng, nhà lưới, trong đó, trên 80% diện tích đã được cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh”-Chủ tịch UBND xã cho biết.

Còn bà Nguyễn Thị Mỹ Dung-Chủ tịch Hội Nông dân xã thì thông tin: “Hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao cho hội viên nông dân.

Đồng thời, Hội cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông như: trồng cây măng tây xanh; xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu giống lúa Đài Thơm 8; xây dựng 2 nhà màng trồng hoa cao cấp cát tường, trồng dưa lê, dưa bạch kim Hàn Quốc... nhằm tạo ra sản phẩm an toàn có giá trị kinh tế cao”.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú-cho biết: “Được sự quan tâm hỗ trợ của xã và hướng dẫn của các ngành chuyên môn, Công ty đã mạnh dạn mở rộng diện tích và đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới. Từ các nguồn hỗ trợ, Công ty xây dựng các mô hình sản xuất theo phương pháp canh tác mới, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tổng diện tích gieo trồng hàng năm của Công ty trên 8 ha. Các sản phẩm của Công ty được bày bán tại hệ thống Siêu thị Co.op Mart khu vực Tây Nguyên, hệ thống WinMart khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các cửa hàng thực phẩm và chợ truyền thống ở TP. Pleiku, sử dụng cho bếp ăn các trường học có tổ chức lớp bán trú.

Ngoài doanh thu bình quân hàng năm khoảng 15 tỷ đồng, Công ty còn tạo việc làm cho 90 lao động tại chỗ, trong đó có nhiều người DTTS”.

Có thể bạn quan tâm