(GLO)- Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) liên kết với nông dân xã An Phú (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đầu tư nhà lồng, hệ thống tưới nước tiết kiệm, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, củ, quả nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
An Phú là vùng đất thuần nông. Những năm gần đây, nắng hạn khiến nguồn nước tưới khô cạn, hầu hết diện tích đất chỉ sản xuất được một vụ lúa/năm. Trước thực tế đó, nhiều nông dân đã chủ động chuyển sang trồng rau, củ, quả và hoa các loại phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm nâng cao thu nhập. Ông Nguyễn Trúc Phương (thôn 2) cho biết: “Hơn 2 sào đất lúa của gia đình tôi thiếu nước tưới nên chỉ sản xuất được 1 vụ. 2 năm nay, tôi đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm để chuyển sang trồng rau màu nên thu nhập ổn định hơn”.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp, HTX đã liên kết với nông dân xã An Phú để đầu tư hạ tầng, nhà lồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú đang đầu tư mở rộng diện tích sản xuất rau, hoa, quả công nghệ cao và kết hợp du lịch sinh thái; Công ty cổ phần Nafoods Tây Nguyên triển khai dự án xây dựng Viện Nghiên cứu giống cây trồng công nghệ cao cùng nhà máy tách, phân loại đóng gói bảo quản; Công ty cổ phần An Phú Hưng triển khai dự án xây dựng trang trại rau sạch chuẩn GlobalGAP với quy mô 7,5 ha; HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh xây dựng hệ thống nhà lồng sản xuất, rau, củ, quả và các loại hoa theo hướng VietGAP, đồng thời liên kết với người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích.
Hoa lan Mokara được trồng trong nhà lồng của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Võ Thanh Hải-Phó Giám đốc HTX-cho hay: “Hợp tác xã chuyên sản xuất giống rau, củ, quả và hoa trong nhà lồng theo hướng ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 3,2 ha. Bước đầu, các giống hoa phát triển tốt. Trong khi đó, khu vực sản xuất rau, củ, quả mới cho thu hoạch lứa đầu tiên đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống”.
Theo ông Hải, mới đây, một số đơn vị từ Đà Nẵng và thị xã An Khê đến đặt vấn đề với HTX liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài. “Chúng tôi mong muốn người dân có diện tích nhỏ lẻ cùng liên kết sản xuất-tiêu thụ với mức giá bảo hiểm có lợi cho đôi bên. Hiện đã có trên 10 hộ thống nhất phương án này và chờ chứng nhận VietGAP sẽ triển khai trong thời gian tới”-ông Hải nói.
Để tiếp tục khai thác thế mạnh của địa phương, UBND tỉnh đã có Công văn số 1070/UBND-NL chỉ đạo xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao tại cánh đồng An Phú. Mới đây, các sở, ngành liên quan cùng chính quyền địa phương đã khảo sát thực tế về sản xuất nông nghiệp và tình hình khô hạn trong những năm gần đây để đánh giá, xây dựng đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại cánh đồng An Phú và vùng lân cận.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Hiệp-Chủ tịch UBND xã An Phú-cho biết: “Cánh đồng xã An Phú rộng khoảng 440 ha. Trước đây, phần lớn cánh đồng là đất lúa, nhưng nay diện tích sản xuất lúa nước 2 vụ chỉ còn khoảng 50 ha. Các sở, ngành đang khảo sát để lập đề án xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực cánh đồng An Phú. Nếu đề án được thực hiện sẽ là cơ hội lớn để các loại rau, củ, quả và hoa của địa phương phát triển mạnh. Không những vậy, còn thúc đẩy du lịch canh nông phát triển theo định hướng của TP. Pleiku”.
NGUYỄN DIỆP