Kinh tế

An toàn thực phảm: Phạt tiền và hơn thế nữa!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, Bộ Công thương mới đây đã đề xuất mức xử phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng cho những vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Có lẽ đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một mức xử phạt về vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mà số tiền phạt cao như vậy.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng như thế đã đủ sức răn đe chưa?

Tôi nghĩ là chưa.

Đơn cử: Phạt từ 70 triệu đồng tới 100 triệu đồng cho những hành vi: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm…

Đó là những hành vi mang lại những tác hại ghê gớm cho sức khỏe cộng đồng. Nếu chỉ phạt tiền, một vài trăm triệu đồng cũng là lớn, nhưng hoàn toàn chưa đủ. Vì nếu thu được lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với mức tiền phạt, người ta lại có thể liều lĩnh tiếp tục những hành vi nguy hại như vậy. Vì thế, cần thêm điều này, dù Bộ Công thương “thòng” thêm một cách “nhỏ nhẹ”: “Bên cạnh đó còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; buộc tiêu hủy tang vật vi phạm…”.

Ấy, cái “hình thức xử phạt bổ sung” ấy, thực ra mới là biện pháp mang tính răn đe cao hơn. Nhưng cũng chưa đủ.

Với những hành vi gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội, phải chuyển sang cho pháp luật nghiêm trị: đó là truy tố và đưa ra tòa để xử theo luật hình sự. Chỉ có điều, chưa biết luật hình sự của chúng ta đã có điều khoản xử tội này chưa? Nếu chưa, thì đề nghị Quốc hội cho bổ sung gấp. Còn nếu đã có, thì Bộ Công thương cần đưa ngay vào Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Mọi người dân trong xã hội, từ thường dân tới quan chức, đều mong mỏi được sử dụng những thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh, không độc hại. Tất cả đều “bình đẳng” trước thực phẩm bẩn, cũng như tất cả đều bình đẳng trước môi trường bị ô nhiễm. Không thể nói vì tôi là quan chức nên được miễn trừ.

Vì vậy, dự thảo của Bộ Công thương lần này cần làm thật nghiêm túc và đầy đủ, không có biệt lệ. Và khi đã thành luật, thì cần có những cơ quan chức năng và những biện pháp chế tài nghiêm ngặt để luật pháp được tuân thủ trên khắp đất nước. Mãi đến bây giờ mới có “dự thảo” về chuyện xử phạt những vi phạm an toàn thực phẩm thì cũng đã quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không bao giờ làm.

Ai cũng biết, ăn những thực phẩm bẩn, những thực phẩm vi phạm vệ sinh an toàn, thì tất sẽ dẫn tới đủ thứ bệnh, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh ung thư. Chúng ta mới đưa ra tòa xử vụ VN Pharma nhập khẩu thuốc chống ung thư giả. Vậy là, với những người bị ung thư do ăn phải thực phẩm bẩn, cơ hội sống sót lại càng ít. 

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm