Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ấn tượng với "Sắc núi"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Những tác phẩm trưng bày tại triển lãm lần này đều được hình thành từ những chuyến đi thực tế của tác giả, được biến hóa và khoác lên một diện mạo mới gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống”-đó là chia sẻ của họa sĩ Nguyễn Văn Chung-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Thanh niên-khi nói về triển lãm tranh với chủ đề “Sắc núi” đang được tổ chức tại Trung tâm Hoạt động Thanh niên tỉnh Gia Lai.
16 tác giả có tranh triển lãm đều rất trẻ, tuổi đời chỉ 20-37, hiện đang công tác, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh. Nhiều người đã là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai như Võ Văn Tiếng, Nguyễn Văn Chung, Phạm Thế Bộ, Trịnh Xuân Thắng, Đinh Việt Thanh… Bên cạnh đó là những gương mặt mới toanh: Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Nguyên Bút, Nguyễn Thị Hoa, Châu Thị Ái Vân... Mỗi tác giả có một bút pháp xử lý, phong cách  nghệ thuật riêng đã đem đến cho triển lãm sự phong phú về nội dung, đa dạng hình thức thể hiện, thu hút sự quan tâm của công chúng yêu hội họa. 
 Họa sĩ Nguyễn Văn Chung (ngoài cùng bên trái) giới thiệu tranh cho người xem. Ảnh: T.B
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung (ngoài cùng bên trái) giới thiệu tranh cho người xem. Ảnh: T.B
35 tác phẩm với các chất liệu lụa, sơn dầu, bột màu, khắc gỗ, sơn mài, acrylic… đa số tái hiện không gian sinh hoạt thường ngày cùng những lễ hội đặc sắc ở Tây Nguyên. Đó là “Bản sắc đại ngàn” của Nguyễn Văn Chung, “Đẽo tượng nhà mồ” và “Cầu mưa” của Hồ Thế Thanh, “Hương măng” của Nguyễn Thị Hoa, “Về cõi A tâu” của Võ Văn Tiếng, “Màu thời gian” của Nguyễn Viết Xuân, “Tắm giọt” của Phạm Thế Bộ... Và khi chiêm ngắm từng tác phẩm ấy, để tâm hồn thư thái, lắng nghe sắc màu lên tiếng, mỗi chúng ta lại thấy thêm yêu cuộc sống này. 
Là người có kinh nghiệm sử dụng chất liệu tổng hợp, bức “Bản sắc đại ngàn” của họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung đã gây ấn tượng bởi phong cách táo bạo, mới mẻ khi khắc họa  chân thực những nét văn hóa Tây Nguyên truyền thống. Bên cạnh đó, bức “Hạnh phúc thời @” của anh phản ánh thực trạng các mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình đang ngày một rời rạc bởi tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đã khiến người xem phải dừng chân khá lâu để chiêm ngắm và ngẫm nghĩ. 
Họa sĩ Nguyễn Văn Chung-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Thanh niên: “Đây là hoạt động thường niên của Câu lạc bộ với mong muốn tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên, thanh niên yêu thích mỹ thuật có điều kiện giới thiệu các tác phẩm của mình. Đồng thời, là dịp để các thành viên của Câu lạc bộ giao lưu, học tập kinh nghiệm, trau dồi kiến thức để tiếp tục sáng tác”.

Sử dụng chất liệu acrylic, hình ảnh người phụ nữ đeo gùi, những em nhỏ địu em đi hái măng được cây cọ nữ Nguyễn Thị Hoa thể hiện một cách tinh tế, mềm mại trong tác phẩm “Hương măng”. Cũng sử dụng chất liệu trên, bức “Hạnh phúc” của tác giả Nguyễn Thị Hiền đã tạo sự đồng cảm khi thể hiện chủ đề tình mẫu tử dù đây là lần đầu tiên chị gửi tranh tham gia triển lãm. Tác giả Nguyễn Thị Hiền-hiện đang công tác tại Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Pleiku) thổ lộ : “Ở TP. Pleiku có nhiều làng Jrai. Mỗi khi có dịp đi ngang qua, thấy hình ảnh người mẹ địu con trông rất bình yên nên tôi đã đưa nội dung ấy vào tranh của mình. Được tham gia triển lãm là cơ hội để tôi học hỏi kinh nghiệm từ những anh chị đi trước”.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày nhiều tranh phong cảnh như: “Đêm Pleiku” và “Chiều trên đồng cỏ” của tác giả Đinh Việt Thanh, “Suối mơ” của Nguyễn Đình Long. 2 tác phẩm từng tham gia triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên mở rộng gồm bức tranh sơn dầu “Thời đại 4.0” của Phạm Thế Bộ và tranh khắc gỗ “Về đâu” của Trịnh Xuân Thắng cũng góp mặt, đem lại sắc màu phong phú cho triển lãm.
Mỗi bức tranh là một câu chuyện, phản ánh sự lao động nghiêm túc của các tác giả. Kéo dài từ ngày 16 đến hết ngày 23-12, triển lãm đã nhận được sự quan tâm của công chúng. Chị Lê Thị Kim Thúy-giáo viên Trường Tiểu học số 2 thị trấn Đak Đoa-cho biết: “Tôi yêu tranh nên tranh thủ đến với triển lãm lần này. Tuy quy mô không lớn, nhưng triển lãm là cơ hội để những người đam mê mỹ thuật có dịp làm quen, giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sáng tác”.
Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm