Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Áo dài - Di sản văn hóa bị bỏ quên?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong mỗi người dân Việt, áo dài truyền thống là hồn cốt dân tộc, quốc phục, niềm tự hào với bè bạn năm châu nhưng cho đến nay vẫn chưa có danh phận pháp lý.



Khi chiếc áo dài truyền thống Việt Nam được một cô ca sĩ người Mỹ mặc trình diễn theo cách "biến tấu" phản cảm và mới đây có thông tin một nhà thiết kế thời trang Trung Quốc nhận vơ trang phục áo dài truyền thống của người Việt là sáng tạo của mình, danh phận pháp lý của chiếc áo dài lại được công luận hết sức quan tâm. Tại sao áo dài chưa được công nhận là di sản văn hóa quốc gia? Tại sao áo dài vẫn chưa được nhà nước quyết định là quốc phục? Đó là những câu hỏi mà cơ quan quản lý văn hóa cao nhất: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - phải trả lời.

"Tâm hồn quê hương ở đó"

Có lẽ bài hát "Một thoáng quê hương" của nhạc sĩ Từ Huy đã nói lên được giá trị của chiếc áo dài truyền thống trong đời sống tinh thần của người Việt hôm nay và cả mai sau: "Tà áo em bay bay bay bay trong gió nhẹ nhàng. Tà áo em bay bay bay bay trên phố dịu dàng. Áo bay trên đường như mây xuống phố. Áo tung sân trường tựa cánh chim câu. Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu. Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi...".


 

Áo dài xuống phố
Áo dài xuống phố



Áo dài được cho là trang phục cách tân từ áo ngũ thân của Việt Nam, mặc với quần dài, che liền thân từ cổ đến chân hoặc quá đầu gối dành cho cả nam lẫn nữ nhưng từ rất lâu, áo dài nữ được biết đến, nói đến nhiều hơn. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người được xem có công sáng chế chiếc áo dài và định hình chiếc áo dài Việt Nam như ngày nay.

Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, với tham vọng lập quốc riêng, Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (năm 1744) ban hành sắc dụ về ăn mặc cho toàn thể dân chúng xứ Đàng Trong, buộc phải thi hành theo đó để phân biệt với Đàng Ngoài. Trong sắc dụ này, lần đầu tiên chiếc áo dài Việt Nam được định hình cơ bản, sách "Đại Nam thực lục" đã ghi rất rõ về việc này. Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình Huế ra chiếu chỉ cấm đàn bà mặc váy, bắt phải mặc quần hai ống. Áo dài kết hợp với quần dài hai ống tạo nên trang phục áo dài của người Việt khác xa với sườn xám của người Hoa và trang phục váy dài của người Chăm. Từ đó đến nay, áo dài Việt Nam được cách tân nhiều lần cho phù hợp với nhu cầu đời sống xã hội và quan điểm thẩm mỹ của từng thời.


 

Áo dài ngũ thân trước khi có áo dài Lemur
Áo dài ngũ thân trước khi có áo dài Lemur



Trước năm 1954, phụ nữ cả nước gần như mặc áo dài trong mọi sinh hoạt khi ra khỏi nhà: đi lễ hội, ma chay, cưới xin, chợ búa, dạo phố, thậm chí lên nương, ra đồng cũng mặc áo dài, tất nhiên mỗi sinh hoạt, công việc có từng loại áo dài phù hợp. Sau năm 1954, phụ nữ miền Bắc theo đời sống mới, thay áo dài bằng áo ngắn, chỉ một số ít ở đô thị còn giữ nếp mặc áo dài trong những sự kiện trọng đại, nghi lễ tôn giáo. Riêng phụ nữ miền Nam vẫn mặc áo dài cho đến năm 1975.

Những năm sau đổi mới, nhất là những thập kỷ gần đây, giá trị áo dài trong đời sống tinh thần của người dân được đề cao, phong trào vận động phụ nữ mặc áo dài phát triển mạnh, ngành thời trang áo dài ngày càng ăn nên làm ra. Lễ hội áo dài được tổ chức khắp nơi, kể cả trong cộng đồng người Việt ở các nước. TP HCM từng có cuộc thi hoa hậu áo dài; áo dài trở thành phần thi không thể thiếu trong các cuộc thi người đẹp tổ chức tại Việt Nam (kể cả cuộc thi quốc tế); áo dài cũng đã được nhiều người đẹp của Việt Nam chọn làm trang phục dân tộc dự thi tại các cuộc thi hoa hậu của thế giới. Năm 2006, 21 nhà lãnh đạo của các nền kinh tế thành viên APEC đã được mặc áo dài truyền thống Việt Nam do nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh thiết kế, ghi thêm dấu ấn về chiếc áo dài truyền thống Việt Nam với bạn bè quốc tế, dù thiết kế này còn nhiều tranh cãi lúc đó.


 

Những mẫu áo dài kiểu Lemur của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Ảnh: BẢO MINH - THÙY TRANG
Những mẫu áo dài kiểu Lemur của nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Ảnh: BẢO MINH - THÙY TRANG



"Cách tân" đến mức biến dạng

Cách tân mang tính bước ngoặt của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam là sự ra đời của áo dài Lemur (1934). "Le Mur" được diễn giải là cách dịch sang tiếng Pháp của Cát Tường. Trong cuốn "Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay" của Phạm Thảo Nguyên (con dâu nhà thơ Thế Lữ) do Khai Tâm và NXB Hồng Đức vừa tái bản lần đầu, tác giả cho rằng họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã thực hiện một cải cách quan trọng trên chiếc áo dài truyền thống trước đó. Áo may ráp tay làm thay đổi hoàn toàn về thẩm mỹ của áo dài kiểu xưa trước đó. Nếu áo dài cổ xưa may tay áo liền với thân, chỗ nách áo bị dư nhiều vải, mặc lên bị dúm dó rất luộm thuộm, thì áo dài Lemur được cắt rời tay áo như kiểu áo sơ-mi rồi nối lại với thân áo chỗ vai hoặc nối xéo từ cổ thẳng tới nách (gọi là tay raglan). Họa sĩ Cát Tường cũng giải thích lý do bỏ cổ cao áo dài trên tờ Phong Hóa số 88 là vì giống trang phục người Mãn Thanh (Trung Quốc), không hợp với thủy thổ nước ta.


 

 Hoa hậu Nam Phương trong trang phục áo dài cách tân. (Ảnh tư liệu)
Hoa hậu Nam Phương trong trang phục áo dài cách tân. (Ảnh tư liệu)



Có tài liệu ghi họa sĩ Cát Tường đã thực hiện chuyến đi xuyên Việt để giới thiệu cho phụ nữ toàn quốc chiếc áo dài tân thời Lemur. Tại Huế, ông may mắn gặp bà Công Tằng Tôn Nữ Trinh Diêu, người từng được nhiếp ảnh gia Võ An Ninh chụp nhiều ảnh nghệ thuật, qua đó được nhà Nguyễn mời thực hiện riêng một tủ áo dài tân thời Lemur cho hoàng hậu Nam Phương. Sau này, ông tiếp tục đi vào Nam vẽ áo dài cho nhiều nghệ sĩ cải lương, trong đó có nghệ sĩ Phùng Há.

 

Áo dài cổ thuyền được người mẫu Kiều Chinh mặc trình diễn năm 1960 (ảnh tư liệu)
Áo dài cổ thuyền được người mẫu Kiều Chinh mặc trình diễn năm 1960 (ảnh tư liệu)



Áo dài cổ thuyền hay còn gọi "Áo dài Trần Lệ Xuân" xuất hiện vào những năm cuối thập niên 1950. Ai đã thiết kế ra áo dài cổ thuyền này, tới nay vẫn chưa có bằng chứng xác tín. Một số tài liệu tiếng Việt nói đó là giám đốc hãng phim Alpha Thái Thúc Nha nhưng những thông tin từ báo chí tiếng Anh lúc đó cho biết tác giả là hai vợ chồng người Mỹ gốc Nhật: Ken Uyemura và Michiko Uyemura. Thiết kế kiểu áo dài cách tân mới này bỏ đi phần cổ áo gọi là áo dài cổ thuyền, cổ hở, cổ khoét. Loại áo dài không có cổ này vẫn phổ biến đến ngày nay, phần cổ được khoét sâu cho tròn chứ không ngắn như bản gốc.

 

Áo dài kiểu “cô Ba Sài Gòn” được tái hiện trong phim “Cô Ba Sài Gòn”. (Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp)
Áo dài kiểu “cô Ba Sài Gòn” được tái hiện trong phim “Cô Ba Sài Gòn”. (Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp)


Áo dài "cô Ba Sài Gòn" ra đời những năm cuối thập niên 1960 cũng có những chi tiết cải biến như chít ngực, chít eo làm tôn lên nét đẹp hình thể của người mặc, nhất là thiếu nữ.

Dù cách tân kiểu gì, những nhà thiết kế áo dài xưa vẫn giữ nguyên những chuẩn mực làm nên hình hài, hồn cốt bộ trang phục áo dài, bao gồm áo hai tà và quần dài hai ống. Những năm gần đây, xu hướng cách tân áo dài phát triển, đến mức người Việt không còn nhận ra đó là chiếc áo dài truyền thống Việt Nam; lai căng từ kiểu dáng, hoa văn, họa tiết; thậm chí "bôi bẩn" lên hình ảnh chiếc áo dài truyền thống bằng những kiểu thiết kế hở hang, gợi dục gây bức xúc trong dư luận.


 

Nhã Tiên mặc áo dài không quần trong video ca nhạc
Nhã Tiên mặc áo dài không quần trong video ca nhạc
Áo dài biến dạng
Áo dài biến dạng



Vấn đề đặt ra là áo dài truyền thống cần được bảo vệ bằng cơ sở pháp lý theo những chuẩn mực của nó để không bị làm biến dạng, không lo bị chiếm đoạt bởi ngoại bang.

 



Biểu tượng bản sắc văn hóa của Việt Nam

Từ "áo dài" (ao dai /ˈaʊ ˌdʌɪ/) được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế 2 tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.

Theo các nhà chuyên môn, áo dài Việt Nam dành cho nữ ngày nay vừa truyền thống vừa hiện đại, có thể mặc đến công sở, đồng phục đến trường, tham dự lễ hội, xuống phố, đặc biệt trong nghi lễ cưới xin... Chiếc áo dài hiện đại được cho là mang tính cá nhân hóa rất cao vì đo may riêng cho mỗi người, may xong phải qua một lần mặc thử để chỉnh sửa chi tiết nữa mới hoàn thiện.

Áo dài trắng từng là đồng phục bắt buộc của nữ sinh trung học tại miền Nam Việt Nam, trước năm 1975. Sau ngày đất nước thống nhất, nữ sinh không còn mặc áo dài đến trường, nhiều năm sau, một số trường đã thay áo dài bằng đồng phục riêng nhưng ở nhiều trường, nữ sinh còn mặc áo dài vào ngày thứ hai chào cờ đầu tuần. Nhiều năm qua, cùng với việc tổ chức lễ hội áo dài, chính quyền thành phố vận động mọi người dân, kể cả du khách đến TP HCM thực hiện tháng áo dài vào tháng 3 hằng năm, tạo nên nét đẹp văn hóa cho thành phố.




------------------------
Kỳ tới: Nên công nhận áo dài là quốc phục


 

Theo Văn Nghệ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm