Kinh tế

Giá cả thị trường

Áp giá sai, EVN phải thanh toán hàng nghìn tỉ cho doanh nghiệp điện mặt trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát, tổng hợp và đề xuất giải pháp xử lý kinh tế với 14 dự án điện mặt trời đã và đang được hưởng cơ chế giá khuyến khích (FIT) không đúng với nội dung Nghị quyết số 115 ngày 31.8.2018. Số tiền EVN phải thanh toán tăng do việc áp giá sai là khoảng 1.481 tỉ đồng.
Một dự án điện mặt trời ở miền Trung. Ảnh: TTXVN
Một dự án điện mặt trời ở miền Trung. Ảnh: TTXVN

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc liên quan về việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ trong việc chấp hành pháp luật trong Quy hoạch điện VII.

Để thực hiện các nội dung liên quan đã được Thanh tra Chính phủ ban hành tại Kết luận thanh tra số 1027 ngày 28.4, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát, tổng hợp và đề xuất giải pháp xử lý kinh tế với 14 dự án điện mặt trời đã và đang được hưởng cơ chế giá khuyến khích (FIT) không đúng với nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31.8.2018.

Số tiền EVN phải thanh toán tăng do việc áp giá sai này là khoảng 1.481 tỉ đồng.

Một dự án tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Một dự án tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Với những dự án điện mặt trời, điện gió nối lưới trên toàn quốc đã được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) để hưởng giá điện hỗ trợ (FIT), EVN được yêu cầu: Báo cáo, cung cấp các căn cứ để thực hiện, cũng như rà soát toàn bộ quá trình thực hiện các thoả thuận chuyên ngành điện lực; Ký kết hợp đồng mua bán điện; kiểm tra điều kiện và đóng điện điểm đấu nối; kiểm tra khả năng điều kiện sẵn sàng phát điện; công nhận COD; đưa công trình điện lực vào vận hành; thanh toán tiền mua bán điện; dừng huy động, tách đấu nối.

Bộ này cũng giao EVN báo cáo các tồn tại và đề xuất phương án giải quyết các vi phạm của chủ đầu tư và EVN.

Với các dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất lớn (gần 1MW), EVN phải thống kê những dự án đầu tư xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng.

EVN cũng được yêu cầu làm việc với Công ty Cổ phần Thuỷ điện Trung Nam, lựa chọn đơn vị kiếm toán có năng lực, kinh nghiệm, uy tín để thực hiện kiểm toán tổng chi phí đầu tư dự án nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 2, trên cơ sở đó xem xét, đàm phán lại giá mua bán điện. Sau đó, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Dựa vào kết luận thanh tra, EVN cũng được giao rà soát, đàm phán lại giá mua điện của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 5 theo quy định của pháp luật và kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 1027/KL-TTCP của EVN được yêu cầu gửi về Bộ Công thương trước ngày 31.8.2023.

Có thể bạn quan tâm