(GLO)- Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, đàn gia súc trên địa bàn thị xã Ayun Pa (Gia Lai) phát triển ổn định.
Tăng cường giám sát dịch bệnh
Mấy hôm nay, ông Nay Kly-Trưởng thôn Khăn (xã Ia Sao) đứng ngồi không yên vì đàn bò 5 con của gia đình có 1 con trở chứng bỏ ăn. Lo lắng đàn bò lại bị bệnh lở mồm long móng như thời điểm này năm ngoái nên ông Kly vội vàng chạy lên trụ sở UBND xã báo cáo rồi dẫn cán bộ thú y xã về tận nhà để kiểm tra. Sau khi xem xét, cán bộ thú ý cho rằng bò của gia đình ông Kly chỉ bị bệnh chướng hơi do mưa nắng thất thường, chỉ cần nhốt ở nhà chăm sóc kỹ vài ngày là khỏi.
Cán bộ thú y xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) đến khám cho con bò bị bệnh của ông Nay Kly. Ảnh: Đ.P |
Thị xã Ayun Pa có gần 9.900 con bò, hơn 9.000 con heo. Để phòng-chống dịch bệnh cho đàn gia súc, chính quyền và ngành chuyên môn địa phương đã chủ động vào cuộc triển khai nhiều biện pháp. Ông Ksor Nhuat-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã-cho hay: Cách đây 1 năm, thị xã xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn bò ở 2 xã Ia Sao và Chư Băh, làm 896 con mắc bệnh, 11 con bị chết. Lúc đó, Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã phải vào cuộc cùng với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức chống dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phải huy động cán bộ thú y của nhiều huyện hỗ trợ thị xã khoanh vùng, dập dịch và tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng cho toàn bộ đàn bò hơn 9.000 con. Nguyên nhân dịch bệnh được ngành chuyên môn xác định là do đàn trâu, bò lúc đó chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng; thời tiết thuận lợi cho vi rút gây bệnh bùng phát. Đáng chú ý, một nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do tập quán nuôi nhốt trâu, bò trong chuồng có nền đất ẩm ướt, ban đêm gia súc đứng ngập chân trong phân rất mất vệ sinh, dễ gây dịch bệnh, khi bị bệnh chữa trị lâu lành. “Chính vì thế, công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân về phòng-chống dịch bệnh thông thường như: tiêm phòng vắc xin đầy đủ, phát quang bụi rậm, vệ sinh khu vực chăn nuôi... đã được đẩy mạnh”-ông Ksor Nhuat nói.
Cùng với đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Ayun Pa phân công cán bộ, nhân viên theo dõi địa bàn, phối hợp với cán bộ chuyên trách thú y các xã, phường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai kế hoạch phòng-chống. Trạm cũng triển khai kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm ở chợ Bình Hòa và chợ trung tâm thị xã cũng như thực hiện việc giám sát, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại 23 điểm giết mổ gia súc và 6 điểm giết mổ gia cầm trên địa bàn; thực hiện 2 tháng tiêu độc khử trùng định kỳ và cấp hóa chất Benkocid, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi tập trung tự tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Tiêm phòng triệt để cho đàn gia súc
Để phòng ngừa dịch bệnh, ngay từ đầu năm, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc trên địa bàn. Sau khi vắc xin được cấp về, Trạm huy động cán bộ thú y ở 8 phường, xã chia thành 3 tổ tiêm theo hình thức cuốn chiếu, hết địa phương này đến địa phương khác. Đến nay, Trạm đã tiêm được 9.500 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò, đạt 95% tổng đàn; 7.500 liều vắc xin kép heo, đạt 91% tổng đàn. Trạm đang triển khai tiêm 9.500 liều vắc xin lở mồm long móng trâu, bò.
Ở thôn Đức Lập và Tân Lập (xã Ia Rtô), người dân chăn thả đàn bò hơn 800 con ở vùng bãi bồi cách biệt ở phía bên kia sông Ba. Một thời gian dài, do nước sông dâng cao, người dân không lùa bò về được để tiêm phòng. Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã đã vận động lùa bò đi đường vòng qua xã Ia Broăi (huyện Ia Pa) về qua ngả cầu Bến Mộng xa hơn chục cây số, nhưng cũng chỉ ít gia đình thực hiện nên việc tiêm phòng không triệt để. “Nếu cứ để vậy cho qua thì kế hoạch tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng không đạt, lỡ xảy ra dịch bệnh sẽ thiệt hại rất lớn. Vì thế, chúng tôi phối hợp với UBND xã Ia Rtô tuyên truyền người dân 2 thôn tranh thủ lúc đêm khuya khi thủy điện ngừng xả lũ, nước sông xuống thấp thì lùa đàn bò về để sáng ra tổ chức tiêm phòng. Phải mất 3 tuần liền mới tiêm hết được đàn bò của 2 thôn Tân Lập và Đức Lập”-Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y Ksor Nhuat cho hay.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch bệnh mà từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã Ayun Pa không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc. Gần 10 tháng qua, cán bộ thú y cơ sở đã theo dõi và điều trị khỏi bệnh cho 36 con bò bị tiêu chảy, 4 con bò bị bệnh chướng hơi dạ cỏ, 24 con heo bị bệnh tiêu chảy và 4 con dê bị bệnh viêm phổi. “Điều quan trọng là ý thức phòng bệnh của người dân được nâng cao. Khi gia súc có dấu hiệu bệnh, họ chủ động cách ly vật nuôi ra khỏi đàn để tránh lây lan và báo ngay cho cán bộ thú y đến xử lý kịp thời nên không bùng phát thành ổ dịch, hạn chế thiệt hại”-ông Ksor Nhuat nói.
Đức Phương