Sức khỏe

Ayun Pa: Củng cố hoạt động các trạm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thị xã Ayun Pa (Gia Lai) hiện có 8 trạm y tế xã, phường với nhiệm vụ khám-chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 38.000 người dân. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2019, cả 8 trạm chỉ khám-chữa bệnh cho tổng cộng 732 lượt bệnh nhân, quá thấp so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, củng cố hoạt động của các trạm y tế đang là yêu cầu bức thiết.
Lý giải về việc có quá ít bệnh nhân tìm đến các trạm y tế xã, phường, bác sĩ Phan Đình Đông-Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ayun Pa-cho rằng, do đầu năm 2019 Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa sáp nhập với Trung tâm Y tế dự phòng thị xã để thành lập Trung tâm Y tế thị xã nên hoạt động chưa được trôi chảy; công tác chỉ đạo, quản lý chuyên môn có lúc lơ là, chưa thông suốt. Cùng với đó, tình trạng thiếu thuốc men, vật tư y tế khiến số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị giảm dần.
 Bệnh nhân đến khám-chữa bệnh tại Trạm y tế xã Chư Băh. Ảnh: Đ.P
Bệnh nhân đến khám-chữa bệnh tại Trạm y tế xã Chư Băh. Ảnh: Đ.P
Nửa cuối năm 2019, sau khi kiện toàn bộ máy Ban giám đốc Trung tâm Y tế thị xã, công tác lãnh đạo, điều hành có phần thuận lợi hơn. Hệ thống trạm y tế xã, phường cũng được củng cố về nhân lực và sâu sát trong chỉ đạo chuyên môn. Trung tâm y tế thị xã đã điều chuyển, bổ sung bác sĩ cho trạm y tế các xã, phường: Chư Băh, Ia Rbol, Ia Rtô, Ia Sao, phường Cheo Reo (riêng phường Đoàn Kết và Sông Bờ chưa có bác sĩ). Cả 8 trạm cũng được bổ sung đủ dược sĩ trung học. Cùng với đó, mỗi trạm y tế được bổ sung kịp thời về thuốc và các vật tư cần thiết theo phân tuyến chuyên môn… Từ đó, công tác khám-chữa bệnh đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân đến khám-chữa bệnh ở các trạm y tế tăng gần 3 lần so với nửa đầu năm 2019. 
Bác sĩ Nay Mi Ra-Trưởng trạm y tế xã Ia Rtô-cho biết, từ đầu năm đến nay, trạm đã khám-chữa bệnh ban đầu cho 604 lượt bệnh nhân (bình quân mỗi ngày 2 bệnh nhân). “Đây là xã nằm xa Trung tâm Y tế thị xã nhất nên số bệnh nhân đến khám, xin thuốc chữa các bệnh thông thường cũng cao hơn trạm y tế các xã, phường khác. Cùng với đó, nhờ được bổ sung thuốc kịp thời nên số lượng bệnh nhân tăng hơn 3 lần so với nửa đầu năm 2019”-bác sĩ Mi Ra cho hay.
Bên cạnh mặt tích cực, vẫn còn vài trạm y tế ở thị xã Ayun Pa có lượng bệnh nhân đến khám-chữa bệnh rất thấp, đặc biệt là Trạm Y tế phường Hòa Bình. Do trên địa bàn có Trung tâm Y tế thị xã nên nhiệm vụ khám-chữa bệnh của Trạm Y tế phường Hòa Bình được chuyển về Trung tâm, Trạm chỉ thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng. Còn Trạm y tế phường Đoàn Kết-phường trung tâm đông dân nhất thị xã (hơn 7.540 người) nhưng số bệnh nhân đến khám-chữa bệnh cũng quá ít. Trong 10 tháng qua, Trạm chỉ khám-chữa bệnh ban đầu cho 69 lượt người; tính bình quân 5 ngày mới có 1 người đến khám. Sự tương phản thấy rõ khi cách cổng Trạm Y tế phường chỉ dăm chục mét, các phòng mạch tư nhân lúc nào cũng có rất đông bệnh nhân ngồi chờ đến lượt khám bệnh. 
Nữ hộ sinh Đặng Thị Thanh-Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Y tế phường Đoàn Kết cho rằng, vì Trạm không có bác sĩ nên người dân chưa mấy tin tưởng. Hơn nữa đây là phường trung tâm thị xã, đời sống kinh tế của người dân khá hơn các nơi khác nên người bệnh thường lựa chọn dịch vụ khám-chữa bệnh ở tuyến trên mà không đến Trạm Y tế. Cũng theo chị Thanh, lâu nay phụ nữ ở thị xã Ayun Pa, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã không còn chọn sinh con tại các trạm y tế xã, phường. Lý do là vì địa bàn nhỏ, bán kính từ xã xa nhất đến Trung tâm Y tế thị xã chỉ khoảng 6 cây số, đường sá thuận lợi nên chị em lựa chọn về sinh tại Trung tâm Y tế thị xã cho an toàn. 
Từ thực tế hoạt động của các trạm y tế trên địa bàn thị xã thời gian qua, đã có ý kiến đề xuất nên xem xét việc duy trì hoạt động của Trạm Y tế phường Hòa Bình và phường Đoàn Kết.
ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm