Kinh tế

Nông nghiệp

Ayun Pa: Nhân rộng mô hình nuôi gà thả vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lo ngại bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát nên nhiều hộ ở thị xã Ayun Pa đã chuyển đổi sang nuôi gà thả vườn. Hướng đi phù hợp này đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân.

 

Nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gà

Cách đây vài năm, khi vào An Giang chơi, anh Võ Hùng Tiến (tổ 2, phường Hòa Bình) học được kỹ thuật nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gia cầm. Tuy nhiên, lúc đó, do bận rộn với việc nuôi heo nên anh chưa nuôi sâu canxi. Sau đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, anh Tiến quyết định bỏ hẳn nuôi heo, chỉ tập trung nuôi gà và ngan Pháp. Mỗi tháng, anh nhân giống khoảng 500 kg sâu canxi để làm thức ăn cho đàn gà 600 con và đàn ngan Pháp hơn 500 con.

Anh Võ Hùng Tiến chuẩn bị thức ăn cho gà. Ảnh: Đức Phương
Anh Võ Hùng Tiến chuẩn bị thức ăn cho gà. Ảnh: Đức Phương



Ban đầu, anh Tiến mua trứng ruồi lính đen từ An Giang về ủ thành ấu trùng sâu canxi. Thời gian ủ từ trứng ruồi thành sâu canxi mất khoảng 12-15 ngày. Giá 1 lạng trứng ruồi lính đen là 3 triệu đồng, sau khi nuôi đủ vòng đời khoảng 40-45 ngày sẽ thu được khảng 500 kg sâu canxi trưởng thành để làm thức ăn cho gia cầm. Tính ra 1 kg sâu canxi giá khoảng 8.000 đồng, rẻ hơn một nửa so với các loại thức ăn công nghiệp khác. Ngoài ra, việc sử dụng sâu canxi làm thức ăn còn giúp gia cầm tăng sức đề kháng, ít bị dịch bệnh. “Tôi mua con giống từ Bình Định về nuôi khoảng 1 tháng thì bắt đầu cho ăn sâu canxi. Nuôi thêm 3 tháng là gà có thể đạt trọng lượng 2 kg/con, ngan Pháp đạt 3 kg/con, đủ điều kiện xuất bán. Với 600 con gà và 500 con ngan Pháp, mỗi năm quay vòng 3 lứa như thế, tôi thu về lợi nhuận 200-300 triệu đồng”-anh Tiến chia sẻ.

Thấy nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gà đạt hiệu quả cao, nhiều người ở thị xã Ayun Pa đã tìm đến anh Tiến để học hỏi kỹ thuật. Anh Nguyễn Văn Lộc (tổ 1, phường Hòa Bình) cho hay: “Nuôi ruồi lính đen cũng rất dễ, ít tốn công, thức ăn chủ yếu là các loại rau củ quả hư hỏng, đồ ăn thừa. Tôi đã nuôi thành công và thu hoạch được trứng ruồi lính đen để ủ thành sâu canxi làm thức ăn cho gà”.

Nhân rộng mô hình nuôi gà thả vườn

Sau đợt dịch tả heo châu Phi vừa rồi, phường Hòa Bình là địa bàn có phong trào chuyển đổi từ nuôi heo sang nuôi gà thả vườn mạnh mẽ nhất thị xã Ayun Pa. Ông Lê Ngọc Long-Chủ tịch UBND phường Hòa Bình-cho biết: Đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua khiến nhiều hộ thiệt hại nặng nề. Vì thế, hầu hết bà con chưa dám tái đàn heo mà để trống chuồng trại hoặc chuyển sang nuôi gà. Để hỗ trợ bà con, UBND phường đang xây dựng đề án giúp 5 hộ có kinh nghiệm triển khai mô hình điểm về nuôi gà sinh sản. Trong đó, phường đề xuất UBND thị xã đầu tư nguồn vốn sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ để tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ con giống và một phần thức ăn, thuốc, hóa chất phòng ngừa dịch bệnh.

 Gia đình chị Nguyễn Thị Quyết (tổ 1, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) nuôi gà thả vườn cho thu nhập khá. Ảnh: Đ.P
Gia đình chị Nguyễn Thị Quyết (tổ 1, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) nuôi gà thả vườn cho thu nhập khá. Ảnh: Đ.P



Gia đình chị Nguyễn Thị Quyết (tổ 1, phường Hòa Bình) là một trong 5 hộ được lựa chọn tham gia mô hình. Trang trại của chị luôn duy trì 600 con gà thịt đến kỳ xuất chuồng và gối vụ đàn gà con có số lượng tương ứng. “Gà giống mua từ Bình Định đưa lên đã được tiêm thuốc phòng ngừa dịch bệnh. Khi đưa về, mình nhốt riêng trong tháng đầu tiên, tiêm đủ các loại thuốc phòng dịch tả, viêm gan, cúm H5N1… để gà tăng sức đề kháng. Đến khi gà thích nghi với môi trường, phát triển ổn định mới thả ra chung với đàn gà sẵn có trong vườn”-chị Quyết cho hay.

Tận dụng khu vườn rộng rãi, thoáng mát dưới tán xoài, chị Quyết thả đàn gà ra để chúng tự tìm kiếm thức ăn và vận động. Vì vậy, thịt gà luôn săn chắc, bán được giá. Chị Quyết chia sẻ: “Tôi mua thêm bắp và cá khô về xay rồi trộn với các loại rau cỏ cho gà ăn thêm để tăng sức đề kháng. Gà nuôi hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên, không dùng các loại cám công nghiệp nên thịt thơm ngon, bán được giá. Sau 4-5 tháng, gà đạt trọng lượng bình quân 2-3 kg/con. Nuôi gối vụ nên trong nhà lúc nào cũng có gà bán. Mỗi tháng, trừ chi phí, gia đình lãi gần 20 triệu đồng từ nuôi gà”.

Trên địa bàn phường Hòa Bình hiện có hơn 100 hộ nuôi gà thả vườn cho thu nhập khá. Theo Chủ tịch UBND phường, do số hộ nuôi gà tăng nhanh nên vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường luôn được chính quyền địa phương quan tâm. “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các hộ phải thực hiện đúng quy định phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại mỗi tuần 1 lần để đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng-chống dịch bệnh. Các hộ cũng tự giác sử dụng chế phẩm sinh học để phun khắp chuồng trại giúp phân hủy chất thải, tránh bốc mùi hôi thối, giữ vệ sinh môi trường, phòng-chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình”-ông Long thông tin.

 

 ĐỨC PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm