Xã hội

Ayun Pa vận động di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở là một trong những nội dung thiết thực được thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe hộ chăn nuôi cũng như góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ia Rtô là xã đầu tiên của thị xã Ayun Pa triển khai vận động người dân di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở. Ông Nay Weh-Bí thư Đảng ủy xã-cho biết: Xã có 826 hộ dân, trong đó có hơn 80% hộ chăn nuôi bò. Trước đây, người dân sợ mất trộm nên thường nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn dẫn tới mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe. Trước tình hình này, từ năm 2018, Đảng ủy xã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân di dời chuồng trại ra xa nhà ở gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, vận động đoàn viên, thanh niên và cán bộ, hội viên các hội, đoàn thể hỗ trợ người dân ngày công để triển khai di dời. “Ban đầu, người dân không đồng ý. Song, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kết hợp chỉ đạo lực lượng Công an vào cuộc đảm bảo an ninh trật tự nên bà con yên tâm thực hiện. Đến nay, 100% hộ chăn nuôi trong xã đều đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở”-Bí thư Đảng ủy xã thông tin.
Là người đi đầu trong việc di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở, ông Nay Xuyn-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Rtô-cho hay: Trước đây, gia đình nuôi 10 con bò nên lượng chất thải nhiều, phát sinh mùi hôi nặng. Lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe của cả nhà, năm 2015, tôi đã di dời chuồng bò ra sau vườn, cách nhà 12 m. Nhờ đó, gia đình không còn phải hứng chịu mùi hôi từ chất thải chăn nuôi nữa. Tôi cũng thường xuyên vận động các hộ dân thực hiện di dời chuồng trại ra xa nhà ở như mình để đảm bảo vệ sinh.
Gia đình ông Ma Phúc (buôn Phu Ama Nher 1, xã Ia Rtô) đã di dời chuồng bò ra xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Hồng Thương
Tương tự, hơn 2 năm trước, gia đình ông Ma Phúc (buôn Phu Ama Nher 1, xã Ia Rtô) cũng nuôi nhốt gia súc ngay dưới gầm nhà sàn. Được sự vận động của các hội, đoàn thể của xã, gia đình ông đã di dời chuồng trại ra xa nhà ở. “Nhờ một số hội viên nông dân và đoàn viên trong làng hỗ trợ ngày công, chỉ mất khoảng 2 ngày, gia đình tôi đã làm xong chuồng bò. Từ đó đến nay, gia đình tôi không còn hứng chịu mùi hôi từ phân bò và mọi sinh hoạt hàng ngày được thuận lợi hơn”-ông Phúc nói.
Tại xã Ia Rbol, ông Rcom Phuen-Chủ tịch Hội Nông dân xã-cho hay: “Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, chúng tôi phối hợp với các hội, đoàn thể của xã vận động người dân tham gia thu gom rác thải, không thả rông gia súc và đặc biệt là thực hiện di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở để đảm bảo vệ sinh. Lúc đầu triển khai cũng gặp khó khăn, phải mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động, đến nay, toàn xã có gần 90% hộ dân đã chấp hành di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở”.
Trao đổi với P.V, ông Đào Nhật Nam-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ayun Pa-cho hay: Thị xã có trên 42 ngàn dân, trong đó có khoảng 60% hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thời gian qua, chúng tôi phối hợp với các hội, đoàn thể của thị xã và các địa phương tích cực vận động người dân tham gia thực hiện tốt tiêu chí môi trường để tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp. Ngoài tổ chức các buổi dọn vệ sinh khu vực công cộng, vận động hội viên cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế, Hội còn tuyên truyền người dân di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà ở. Theo đó, chúng tôi giao chỉ tiêu hàng năm cho các cấp Hội ở cơ sở; đồng thời, thường xuyên phối hợp khảo sát, hướng dẫn người dân chọn vị trí xây dựng chuồng trại phù hợp.
NHẬT HÀO
 

Có thể bạn quan tâm