Xã hội

Lao động - Việc làm

Đak Đoa đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2024, huyện Đak Đoa có hàng ngàn người trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Đây là cơ hội tốt để người lao động nâng cao trình độ nghề, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Học nghề theo nhu cầu

Ông Huỳnh Siểm-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Năm 2024, toàn huyện có trên 1.500 người lao động được đào tạo nghề bằng các hình thức như: thông qua các khóa học tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp; học nghề tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia...

“Chương trình dạy nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Khi người lao động có trình độ, kỹ năng sẽ thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập ổn định; đồng thời, giúp họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng cho xã hội”-ông Siểm cho hay.

Năm 2024, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở 14 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như: nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ, hàn, nề; kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho heo, trâu, bò; trồng rau an toàn…

Theo bà Nguyễn Đinh Thị Mỹ Lai-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện: “Qua các lớp đào tạo nghề, 474 lao động nông thôn đã nắm vững các kiến thức cơ bản. Nhiều học viên sau khi học nghề đã tìm được việc làm, nâng cao thu nhập”.

anh-sing-truong-thon-dor-1-xa-glar-dang-sua-chua-xe-cong-nong-cua-gia-dinh-anh-thanh-tuan.jpg
Sau khi hoàn thành khóa học, anh Sing-Trưởng thôn Dôr 1 (xã Glar) có thể sửa chữa, bảo dưỡng máy nông nghiệp. Ảnh: Thanh Tuấn

Anh Sing-Trưởng thôn Dôr 1 (xã Glar) vừa học xong lớp sửa chữa máy cày công suất nhỏ do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức.

Anh cho hay: “Sau khi hoàn thành khóa học, tôi có thể sửa chữa, bảo dưỡng máy nông nghiệp. Thời gian gần đây, tôi còn nhận sửa giúp những máy bị hư hỏng của bà con dân làng”.

Nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề

Lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động của huyện Đak Đoa, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ mà còn giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.

Ông Trần Văn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho biết: Các lớp dạy nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2024, xã có hơn 100 lao động trẻ được đào tạo nghề, giúp họ có thêm kiến thức, kỹ năng để ứng dụng trong sản xuất. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều lao động, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo nghề.

xa-hneng-huyen-dak-doa-phoi-hop-cac-doanh-nghiep-co-so-dao-tao-nghe-tuyen-truyen-tu-van-huong-nghiep-nghe-cho-hoc-sinh-lao-dong-dan-toc-thieu-so-anh-dinh-yen.jpg
Xã Hneng, huyện Đak Đoa phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp nghề cho học sinh, lao động dân tộc thiểu số. Ảnh: Đinh Yến

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Siểm: Năm 2025, Đak Đoa phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2%. Ngoài ra, lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 10,03%, trong đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 4,2%, bảo hiểm xã hội bắt buộc 5,83% lao động trong độ tuổi; 3,78% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đề ra, huyện đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng thanh-thiếu niên trong độ tuổi học nghề; tăng cường phối hợp kiểm tra, đánh giá chương trình, chất lượng dạy nghề.

Bên cạnh đó, huyện cũng kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo nghề thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để người lao động có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, vươn lên thoát nghèo.

Cùng với đó, huyện đầu tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên, đáp ứng nhu cầu đào tạo đa ngành nghề của người lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; tập trung đào tạo nghề, tạo việc làm để phát triển thị trường lao động ở nông thôn.

Đồng thời, rà soát, thu thập thông tin cung cầu lao động để đánh giá, dự báo nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; kịp thời kết nối, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm.

Cùng với đó, địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn ủy thác qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đẩy mạnh hoạt động cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Có thể bạn quan tâm