Bà Nguyễn Đinh Thị Mỹ Lai-Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện-cho biết: Hàng năm, Trung tâm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để mở các lớp dạy nghề phù hợp.
Năm 2024, đơn vị mở 14 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như: nghề sửa chữa máy cày công suất nhỏ, hàn, nề, cồng chiêng; kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia súc; trồng rau an toàn… với 474 lao động theo học.
“Trong số 14 lớp học nghề có 1 lớp học cồng chiêng cho bà con làng Dung Dơ, xã Kon Gang. Trên cơ sở nguyện vọng của người dân, cùng với định hướng lâu dài của huyện về phát triển văn hóa du lịch gắn với di sản cồng chiêng nên Trung tâm quyết định mở lớp dạy nghề cồng chiêng miễn phí cho dân làng Dung Dơ”-bà Lai chia sẻ.
Anh Char (làng Dung Dơ) cho hay: “Giảng viên là những nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm truyền dạy cồng chiêng. Được chỉ dạy bài bản, tôi đã hiểu sâu sắc về thanh âm cồng chiêng, cách chỉnh chiêng, tiết tấu từng bài hát.
Sau khi tham gia lớp học, tôi được nâng cao trình độ, hiểu biết hơn về giá trị văn hóa cồng chiêng. Mong muốn sau lớp học này, chúng tôi được tạo nhiều cơ hội để đi biểu diễn ở nhiều nơi, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Theo ông Nguyễn Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang: Ban đầu, lớp chỉ có 15 thành viên đủ tiêu chuẩn theo học. Thế nhưng sau đó, người làng tự nguyện xin vào học nên lớp lên đến 40 người. Học viên nhỏ tuổi nhất mới học lớp 10, còn người già nhất gần 60 tuổi. Rất mừng là bà con đã tự ý thức được việc học cồng chiêng để duy trì và phát triển di sản văn hóa của dân tộc.
Sau khi tham gia lớp phòng trừ bệnh cho heo, đầu năm 2023, ông Rơ Châm Hyơm (làng O Đất, xã Ia Băng) đã mạnh dạn mua 2 con heo giống về nuôi. Gia đình tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong vườn như thân cây chuối, lá khoai lang, đồng thời bổ sung thêm cám gạo để chăn nuôi heo.
“Mình chuyển đổi 4 sào mì sang trồng khoai lang. Trồng khoai lang vừa lấy được củ vừa có lá làm thức ăn cho heo. Cây chuối thì đi lấy trên rẫy. Nhờ vậy, đàn heo nhanh lớn, giảm chi phí mua thức ăn. Hiện gia đình duy trì 4 con heo nái và nuôi heo thịt thương phẩm để tạo thêm nguồn thu nhập”-ông Hyơm bộc bạch.
Ghi nhận hiệu quả công tác dạy nghề, ông Trần Văn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho hay: Các lớp dạy nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã trang bị cho người dân kiến thức để tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vẫn còn nhiều lao động là người dân tộc thiểu số chưa có kinh nghiệm sản xuất, trình độ nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tìm kiếm việc làm.
“Vì vậy, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để người lao động tham gia học nghề, nâng cao kỹ năng nghề nhằm giúp họ tự tạo việc làm”-ông Hùng nói.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Hương-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-thông tin: Hàng năm, huyện tổ chức rà soát số lượng lao động nông thôn chưa được đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề để tổ chức mở các lớp dạy nghề sơ cấp, trung cấp phù hợp.
Đồng thời, tổ chức các buổi tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, học nghề cho phụ nữ, nông dân, thanh niên. Qua đó, giúp người lao động tự tin tham gia vào thị trường lao động hoặc có thể vận dụng vào điều kiện thực tế của gia đình để tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Thời gian tới, Phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề tại các địa phương ngay từ đầu năm; vận động người dân, nhất là người dân tộc thiểu số tham gia các lớp đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động.
Mặt khác, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối các doanh nghiệp nhằm tạo việc làm cho các lao động đã qua đào tạo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của huyện”-bà Hương nhấn mạnh.