Nhà bia Thị Học ở Huế. |
Ba Lan đã giúp Huế bảo tồn, tôn tạo các công trình như trùng tu di tích Thế Tổ Miếu, với tổng số tiền tài trợ 900.000 USD; khảo sát và lập dự án bảo tồn tôn tạo Nhà Tả Vu, với số tiền đóng góp tài trợ 40.000 USD.
Gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan đã tổ chức lễ khánh thành nhà bia Thị Học (bia khuyến học) trước Quốc Tử Giám (thuộc đường 23/8, Huế), với tổng số tiền tài trợ 18.700 USD; đồng thời khởi công dự án trùng tu công trình Linh Tinh Môn tổng số tiền là 25.497 USD.
Dự kiến, công trình Linh Tinh Môn sẽ hoàn thành vào tháng 12-2011, bao gồm các phần chính: phục chế các tấm pháp lam trang trí, phục hồi các cột trang trí phù điêu vôi vữa truyền thống, bảo quản gìn giữ các vật liệu còn tồn tại của công trình và đào tạo kỹ thuật bảo quản cho cán bộ chuyên môn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đố Huế.
Giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam, cùng tìm hiểu và lập đề án bảo tồn tôn tạo một số công trình di tích tiêu biểu, để đăng ký nguồn hỗ trợ tín dụng của chính phủ Ba Lan dành cho Việt Nam trong các lĩnh vực về kinh tế xã hội và văn hóa. Hiện đã có 10 tổ chức chính phủ và hơn 25 tổ chức phi chính phủ giúp đỡ bảo tồn, trùng tu nhằm phát huy giá trị hệ thống di tích Cố đô Huế.
Theo Giám đốc Trung tâm, ông Phùng Phu, Ba Lan là một trong những quốc gia có nền khoa học công nghệ về bảo tồn và trùng tu di tích tiên tiến không chỉ ở châu Âu mà còn nổi tiếng cả thế giới.
Các chuyên gia của Ba Lan đã tham gia vào các dự án trọng điểm ở nhiều nơi như Ai Cập và châu Mỹ Latinh. Mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn giữa Ba Lan và Việt Nam nói chung, với Huế nói riêng, đã được hình thành ngay từ khi UNESCO phát động cuộc vận động quốc tế nhằm bảo vệ di tích Huế năm 1981.
Theo TTXVN