Thời sự - Sự kiện

Thời sự trong nước

Bà Trương Mỹ Lan lãnh bản án thứ 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tòa nhận định bà Trương Mỹ Lan có vai trò cao nhất trong vụ án khi chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội do đó cần áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc

Chiều 17-10, TAND TP HCM kết thúc phiên tòa sơ thẩm, tuyên án 34 bị cáo trong đại án liên quan Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan (giai đoạn 2).

Chỉ đạo đồng phạm phạm pháp

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12 năm tù về tội "Rửa tiền", 8 năm tù về tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" - tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

bicao-2066.webp
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử ngày 17-10. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cấp sơ thẩm nhận định ngoài vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan còn giữ vai trò chi phối SCB.

Sau khi nhận được báo cáo từ cựu phó tổng giám đốc SCB Nguyễn Phương Hồng (đã qua đời) về tình trạng nợ xấu kéo dài của SCB và áp lực thanh toán các khoản nợ của công ty con thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại SCB, bà Lan đã thống nhất phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm huy động vốn, giải quyết khó khăn tài chính cho SCB và phục vụ nhu cầu cá nhân.

Từ đó, 4 công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra được sử dụng để phát hành trái phiếu. Cả 4 công ty này đều là công ty cổ phần, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo HĐXX, việc cho phép sử dụng công ty con phát hành trái phiếu khống đã kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến việc bà Lan bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổng hợp toàn bộ hành vi và diễn biến việc phát hành trái phiếu, HĐXX đánh giá các bị cáo đã xây dựng 1 quy trình vận hành từ việc xây dựng và lựa chọn công ty bảo đảm phát hành trái phiếu đến chạy dòng tiền khống bảo đảm tài chính thanh toán, phân phối trái phiếu sơ cấp, chuyển từ trái phiếu mua sơ cấp sang thứ cấp và tư vấn môi giới bán trái phiếu rộng rãi cho người dân để thu tiền.

Quy trình này thể hiện rõ ý thức gian dối chiếm đoạt tiền của người mua trái phiếu. Đây là dấu hiệu đặc trưng của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản - phân biệt với các loại tội phạm xâm hại quyền sở hữu khác.

Bị cáo Trương Mỹ Lan có vai trò cao nhất trong vụ án, chỉ đạo các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Do đó cần áp dụng hình phạt tù không thời hạn đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo này.

Tiếp tục kê biên, phong tỏa nhiều tài sản

HĐXX cho biết theo nguyên tắc, số tiền liên quan tội "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" và "Rửa tiền" cần được nộp lại để sung vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do số tiền này được giải quyết trong bản án sơ thẩm ngày 11-4-2024 (giai đoạn 1), buộc Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ cho SCB về hành vi tham ô và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên không yêu cầu các bị cáo nộp lại trong giai đoạn này.

Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối phát hành trái phiếu, chiếm đoạt hơn 30.869 tỉ đồng. Thiệt hại của các bị hại được tính dựa trên số lượng trái phiếu mà họ sở hữu, với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.

Các chi phí khác sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng nếu có yêu cầu. Số tiền chiếm đoạt được xác định bà Trương Mỹ Lan sử dụng cho mục đích cá nhân nên bị cáo Lan phải bồi thường toàn bộ. Số tiền cụ thể sẽ được đính kèm trong phụ lục của bản án.

Để bảo đảm nghĩa vụ bồi thường của bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX tuyên buộc tiếp tục kê biên, phong tỏa nhiều tài sản như: 18% phần vốn góp tại Công ty Liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành; 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam; 77,89% cổ phần Công ty CP Dược phẩm Đông Dược 5; 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông; 13,23% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Sao Thủy; 100% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương mại Dịch vụ Hòa Thuận Phát; 1,4 triệu cổ phiếu Công ty Chứng khoán TVSI…

Tòa án còn tuyên tịch thu hơn 1.749 tỉ đồng mà các bị cáo khác trong vụ án đã tự nguyện nộp khắc phục để khấu trừ nghĩa vụ bồi thường của bà Trương Mỹ Lan.

Trong giai đoạn 1 của vụ án, ngày 11-4, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; tử hình về tội "Tham ô tài sản" và 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ - tổng hợp hình phạt cho cả 3 tội là tử hình.

Các cựu lãnh đạo SCB bị tuyên phạt nhiều mức án, tội danh khác nhau.

Cụ thể, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) 17 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Trương Khánh Hoàng (cựu quyền tổng giám đốc SCB) 23 năm tù về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) 14 năm tù về 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền". Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT SCB) 10 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới". Thái Thị Thanh Thảo (cựu giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale, thuộc SCB, Chi nhánh Sài Gòn) 5 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

3bicao-6322.webp
Với tội “Rửa tiền”, bị cáo Chu Lập Cơ lãnh 2 năm tù. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Các bị cáo là người thân của bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án từ 24 tháng đến 8 năm tù. Cụ thể, chồng bị cáo là Chu Lập Cơ lãnh 2 năm tù về tội "Rửa tiền"; Trương Huệ Vân (cháu ruột) 5 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cùng tội danh, bị cáo Ngô Thanh Nhã, em dâu bà Lan, lãnh 5 năm tù.

Theo Trần Thái (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm