Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Bác Hồ giáo dục cán bộ: "Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tấm gương đạo đức của Bác Hồ là tấm gương chung cho cả dân tộc, cho các thế hệ người Việt Nam mãi mãi về sau noi theo. “Đạo đức và phẩm chất cao quý của Người là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam cộng với đạo đức cộng sản chủ nghĩa của giai cấp công nhân, giai cấp triệt để cách mạng của thời đại có sứ mệnh lịch sử cải tạo thế giới, thiết lập xã hội cộng sản chủ nghĩa trên hành tinh chúng ta” (Trường Chinh).

Từ năm 1927, trong cuốn sách “Đường Kách mệnh” khi nói về tư cách của một người cách mạng Bác đã đề cập đến vấn đề này. Trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn luôn giáo dục mọi người và chính bản thân Người đã thực hiện điều đó một cách đầy đủ và nghiêm túc nhất. Hơn nữa, chúng ta còn thấy Người nói ít nhưng làm nhiều, có nhiều vấn đề về đạo đức Người làm mà không nói. Phải đi sâu vào hành vi đạo đức của Người, chúng ta mới khám phá ra được những tầng bản chất sâu xa của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
 

Tọa đàm kỷ niệm 67 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11-6-1948 – 11-6-2015); tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Gương người tốt, việc tốt, điển hình, tiên tiến xuất sắc” tỉnh Gia Lai lần thứ II (Năm 2014-2015). Ảnh: Minh Anh
Tọa đàm kỷ niệm 67 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc - Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11-6-1948 – 11-6-2015); tổng kết, trao giải cuộc thi viết “Gương người tốt, việc tốt, điển hình, tiên tiến xuất sắc” tỉnh Gia Lai lần thứ II (Năm 2014-2015). Ảnh: Minh Anh

Đối với mỗi người, lời nói phải đi đôi với việc làm thì mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân mình và có tác dụng đối với người khác. Nếu nói nhiều làm ít, nói mà không làm hoặc hơn nữa là nói một đằng làm một nẻo thì chỉ đem lại hậu quả phản tác dụng, mất lòng tin của mọi người. Bác kịch liệt lên án thói đạo đức giả “hãy làm theo tôi nói, đừng làm theo tôi làm” đã từng tồn tại trong lịch sử  xã hội loài người, nó khác xa với đạo đức cách mạng, với nền đạo đức mà chúng ta đang xây dựng. Chúng ta phải phấn đấu làm sao trong xã hội không còn những kẻ đạo đức giả, càng không cho phép những kẻ đạo đức giả đi dạy dỗ người khác về đạo đức. Lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với chế độ chủ nghĩa xã hội một phần quan trọng phụ thuộc vào vấn đề này.

Cũng từ cách đặt vấn đề trên của Bác, chúng ta thấy rằng sự cần thiết phải “nêu gương” trong lĩnh vực đạo đức. Trong phạm vi gia đình thì đó là tấm gương của bố mẹ đối với con cái, của anh chị đối với các em; trong nhà trường thì đó là tấm gương của thầy-cô giáo đối với các em học sinh; trong tổ chức Đảng, Nhà nước là tấm gương của những người phụ trách, của lãnh đạo, của cấp trên đối với cấp dưới; trong xã hội thì chỉ đơn giản là tấm gương của người này đối với người khác, tấm gương của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, của những người tiêu biểu trong từng ngành, từng tập thể... mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi là những gương “người tốt việc tốt” để mọi người học tập và noi theo. Trong xã hội, tấm gương của các thế hệ đi trước đối với các thế hệ sau là đặc biệt quan trọng. Mỗi thế hệ đều có trách nhiệm riêng của mình, nhưng thế hệ trước bao giờ cũng có trách nhiệm nặng nề với thế hệ đi sau trong việc giáo dục, giáo dưỡng, bồi dưỡng về đạo đức. Đương nhiên trong cuộc sống không chỉ diễn ra một chiều ảnh hưởng, tác động, Hồ Chí Minh đã nhìn rõ điều này nên người đã đề cập đến việc người già có thể học tập người trẻ để không ngừng hoàn thiện đạo đức của mình cũng như tiếp cận những điều mới mẻ, tiến bộ trong xã hội.

Đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh đã chỉ ra một luận điểm quan trọng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Luận điểm ấy đã khẳng định rất rõ vấn đề nêu gương có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống đạo đức, nhất là đối với trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên.

Một trăm bài diễn văn không bằng một tấm gương sống-điều mà Hồ Chí Minh đã nói về Lênin, đã đặt ra cho việc xây dựng đạo đức mới một nguyên tắc rất cơ bản là sự nêu gương về đạo đức. Đó cũng là điều chúng ta thấy được ở Hồ Chí Minh-một tấm gương đạo đức sáng ngời, của một con người cống trọn vẹn cả đời cho dân tộc, cho tiến bộ xã hội.

Minh Anh

Có thể bạn quan tâm