Bác sĩ cảnh báo 7 sai lầm rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cứ mỗi 8 giây trôi qua lại có 1 người chết do đái tháo đường. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, có rất nhiều sai lầm xuất phát từ việc bản thân bệnh nhân không hiểu biết rõ về căn bệnh của mình.

 

Cứ 2 bệnh nhân bị đái tháo đường thì 1 người không biết mình bị bệnh
Cứ 2 bệnh nhân bị đái tháo đường thì 1 người không biết mình bị bệnh



Hiện trên toàn thế giới, có gần 430 triệu người đang sống chung với bệnh đái tháo đường. Đáng nói là cứ 2 người bị đái tháo đường thì 1 người không biết mình bị bệnh. Điều trị đái tháo đường rất tốn kém cho bản thân người bệnh và gia đình, có thể chiếm tới 1/2 thu nhập của gia đình.

Với bệnh nhân đái tháo đường, có rất nhiều sai lầm xuất phát từ việc bản thân bệnh nhân không hiểu biết rõ về căn bệnh của mình, hoặc không được tư vấn những kiến thức đầy đủ về chế độ ăn uống, luyện tập và thuốc điều trị.

Dưới đây là những sai lầm người bệnh đái tháo đường rất hay gặp được Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ:

Kiêng hoàn toàn tinh bột và đường


 

Việc kiêng hoàn toàn tinh bột sẽ không tốt cho người bị đái tháo đường
Việc kiêng hoàn toàn tinh bột sẽ không tốt cho người bị đái tháo đường



Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng bởi một bữa ăn của người đái tháo đường cần phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipid…

Chỉ cần theo dõi đường máu vào buổi sáng

Rất nhiều người bệnh cho rằng bản thân theo dõi đường máu rất tốt, tuần nào cũng thử đường máu vào buổi sáng khi đói nhưng không hiểu sao vẫn bị biến chứng? Đây là một sai lầm vì theo dõi đường máu sau ăn là việc làm rất quan trọng bởi đường máu sau ăn quá cao cũng gây ra rất nhiều biến chứng cho người bệnh. Do đó, người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và sau ăn, và không phải chỉ 1 lần/tuần mà cần phải theo dõi nhiều lần trong một ngày cho đến khi đường máu ổn định rồi thì sẽ giảm dần số lần thử đường máu. Mục tiêu đường huyết sau ăn 1-2 giờ là dưới 10mmol/L.

Bệnh nhân đái tháo đường type 2 đa phần là người lớn tuổi, bên cạnh đái tháo đường họ có các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu… Thế nhưng người bệnh mới chỉ kiểm soát đường máu mà quên đi mất 2 yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipid máu cũng là yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của người bệnh. Nếu bạn có tăng huyết áp có nghĩa có nguy cơ đột quỵ gấp 4 lần, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch gấp 3 lần. Cứ mỗi 3 phút có một người chết vì tăng huyết áp. Do đó cần kiểm soát tất cả các yếu tố bệnh tật, tuy nhiên chỉ 18% bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2 kiểm soát được cả 3 thông số: glucose máu, mỡ máu và huyết áp.

Dùng mãi một đơn thuốc


 

Người bệnh cần được khám và đo đường huyết thường xuyên
Người bệnh cần được khám và đo đường huyết thường xuyên



Con người sẽ dần dần bị lão hoá, già yếu hơn. Bệnh đái tháo đường type 2 cũng vậy, khả năng tiết insulin sẽ giảm dần theo năm tháng và là bệnh mạn tính tiến triển. Nhiều bệnh nhân có chỉ định tiêm insulin nhưng thực tế rất ít đồng ý tiêm. Lý do chủ yếu là do bệnh nhân không hiểu lợi ích của điều trị insulin sớm và cho rằng như vậy bệnh sẽ nặng hơn, trong khi thực tế điều trị insulin là diễn biến tự nhiên, không phải là bệnh nặng hơn.

Ngoài ra, rất nhiều người bệnh đái tháo đường đã và đang điều trị bằng đơn thuốc của người quen hoặc do người thân mách bảo. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi bệnh nhân sẽ có một mục tiêu điều trị riêng, sự đáp ứng với thuốc cũng trên nền bệnh lý và những bệnh phối hợp khác như: suy gan, suy thận, suy vành... Do đó không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia. Tình trạng sử dụng chung đơn thuốc như vậy đôi khi đã để lại cho người bệnh những tác dụng không mong muốn như: tăng hoặc giảm đường huyết quá mức, thậm chí suy gan, suy thận…

Hết thuốc nhưng không mua dùng tiếp mà chờ đến ngày khám lại


 

Bác sĩ khuyến cáo người bệnh đái tháo đường không ngừng thuốc điều trị bệnh
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh đái tháo đường không ngừng thuốc điều trị bệnh



Đây là sai lầm rất nguy hiểm. Bệnh nhân đái tháo đường type 2 thiếu insulin sẽ làm đường huyết tăng cao, gây mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 thiếu insulin 6 giờ có thể phải đi cấp cứu vì nhiễm toan ceto. Bệnh nhân đái tháo đường nếu không dùng thuốc có thể dẫn đến sai lệch kết quả đường huyết, khó điều chỉnh liều thuốc.

Bỏ thuốc Tây và uống thuốc Đông y

Rất nhiều bệnh nhân tự uống thuốc nam, đắp thuốc lá, hoặc đang uống thuốc Tây y lại bỏ điều trị nghe theo mách bảo dẫn đến bệnh nặng nề hơn với các biến chứng võng mạc, biến chứng lở loét bàn chân, thậm chí cắt cụt chân.

Không cấp cứu hạ đường huyết

Hạ đường huyết là đường huyết ở mức dưới 4 mmol/L, tình trạng này sẽ nguy hiểm hơn tăng đường huyết. Hạ đường huyết trên 6 giờ có thể dẫn đến chết não. Các hậu quả của hạ đường huyết phải kể đến hôn mê, tăng chi phí nằm viện, sa sút trí tuệ, mất tri giác, co giật, giảm chất lượng cuộc sống….

Để điều trị cấp cứu hạ đường huyết nếu bệnh nhân còn tỉnh nên cho uống nước đường, nước ngọt, ăn cơm… Trường hợp bệnh nhân hôn mê cần đưa vào trạm xá truyền glucose gấp hoặc đưa ngay vào bệnh viện gần nhất, không nhất thiết đưa lên tuyến trên.

Khi bị ốm cũng bỏ luôn thuốc đái tháo đường


 

Theo dõi đường huyết chặt chẽ khi bị ốm, sốt
Theo dõi đường huyết chặt chẽ khi bị ốm, sốt



Có không ít người bệnh nghĩ rằng bị ốm, ăn kém thì đường huyết sẽ hạ nên cần giảm hoặc ngừng uống thuốc đái tháo đường. Tuy nhiên thực tế khi bị ốm thì các hormone trong cơ thể sẽ tăng lên, làm đường huyết tăng cao. Vì vậy người bệnh cần đo đường huyết mỗi 3-4 giờ, đôi khi mỗi 1-2 giờ, ghi lại kết quả thử đường huyết.

Khi bị sốt thì dù ăn ít nhưng cơ thể lại cần nhiều insulin hơn cho nên cần giữ nguyên liều insulin. Tiếp tục theo dõi đường huyết và tình tình trạng bệnh vào lúc nửa đêm, kể cả khi rất mệt. Tăng cường uống nước để ngăn chặn tình trạng mất nước. Ăn đúng bữa dù rất mệt. Nếu nôn nhiều thì uống nước có đường. Dùng được các loại thuốc cần thiết như hạ sốt, kháng sinh.


 


Những con số đáng đáng sợ

Theo thống kê trên thế giới mỗi giờ, có thêm hơn 1.000 người mắc đái tháo đường mới; Cứ mỗi 8 giây, có 1 người chết do đái tháo đường; Cứ mỗi 5 phút có 1 người bệnh đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim; Cứ mỗi 30 giấy có 1 người bệnh đái tháo đường bị cắt chân; 90% các trường hợp đái tháo đường type 2 là có thể phòng ngừa được.

Người bệnh phải luôn nhớ rằng kiểm soát đường máu phải song song với việc kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch là vô cùng quan trọng và chúng ta phải thường xuyên luyện tập, tuân thủ chế độ ăn cũng như kiểm tra đường máu định kỳ để giúp chúng ta biết được rằng chúng ta đang ở mức độ nào để có thể kiểm soát đường máu tốt và các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Quang Bảy (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm