Sức khỏe

Dinh dưỡng

Bác sĩ chia sẻ cách ăn uống giúp phòng ngừa đột quỵ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bổ sung chất xơ, omega-3, polyphenol, vitamin nhóm B và hạn chế đường tinh luyện có tác dụng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ.

Thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa (chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175) cho biết, đột quỵ xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não đột ngột bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút. Người bị đột quỵ có nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

"Tuy có yếu tố ảnh hưởng từ di truyền và bệnh lý nền, nhưng phần lớn các tình huống đột quỵ có thể được phòng ngừa nhờ chế độ dinh dưỡng khoa học, tập luyện thể chất đều đặn và lối sống lành mạnh", bác sĩ Nghĩa chia sẻ.

Chế độ ăn giàu chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt giúp kiểm soát cholesterol xấu, giảm nguy cơ đột quỵ
Chế độ ăn giàu chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt giúp kiểm soát cholesterol xấu, giảm nguy cơ đột quỵ

Bổ sung đầy đủ chất xơ, axit béo omega-3, chất chống oxy hóa

Bác sĩ Nghĩa cho biết, chế độ ăn giàu chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt giúp kiểm soát cholesterol xấu (LDL), đồng thời hỗ trợ ổn định huyết áp. Người tiêu thụ 25-30 gram chất xơ mỗi ngày giảm nguy cơ đột quỵ tới 10-15%. Chất xơ không chỉ hỗ trợ giảm cân mà còn giúp điều chỉnh đường huyết và giảm viêm nhiễm, từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Omega-3 có trong cá hồi, cá thu, quả óc chó và hạt lanh được chứng minh là giúp giảm viêm nhiễm và ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Theo nghiên cứu, người tiêu thụ omega-3 từ 2-3 lần/tuần giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim nhờ giảm triglyceride và tăng độ linh hoạt của mạch máu.

Polyphenol và flavonoid trong trà xanh, trái cây họ cam quýt và các loại quả mọng có khả năng chống oxy hóa cao, giảm viêm và bảo vệ mạch máu khỏi tổn thương. Tiêu thụ polyphenol đều đặn giúp cải thiện sức khỏe mạch máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.

Giảm đường tinh luyện và carbohydrate đơn giản

Thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện và carbohydrate đơn giản như nước ngọt, bánh kẹo dễ gây tăng cân, tiểu đường và rối loạn chuyển hóa. Người tiêu thụ nhiều đường tinh luyện có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 26%, đồng thời tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Thay vào đó, nên sử dụng các loại carbohydrate phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang để giữ đường huyết ổn định.

Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện và carbohydrate đơn giản như nước ngọt, bánh kẹo
Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện và carbohydrate đơn giản như nước ngọt, bánh kẹo

"Phòng ngừa nguy cơ đột quỵ ở người trẻ đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể chất đều đặn và quản lý lối sống. Đồng thời, kiểm tra sức khỏe định kỳ, duy trì giấc ngủ và quản lý căng thẳng cũng là những yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài và cải thiện chất lượng sống", bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.

Theo dõi sức khỏe để phòng ngừa đột quỵ

Bác sĩ Nghĩa cho biết, cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Việc duy trì huyết áp dưới 120/80 mmHg giúp giảm nguy cơ đột quỵ tới 50%. Bên cạnh đó, cholesterol LDL cao dẫn đến nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch, gây tắc nghẽn và tăng nguy cơ đột quỵ. Kiểm tra cholesterol định kỳ là cần thiết để kịp thời điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và lối sống.

Đường huyết cao không được kiểm soát có thể làm tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ đột quỵ. Người có tiền sử tiểu đường hoặc yếu tố nguy cơ nên kiểm tra đường huyết định kỳ và theo dõi chỉ số HbA1c để đánh giá mức độ ổn định của đường huyết.

Ngoài ra, nên đo cân nặng và vòng eo định kỳ để kiểm soát nguy cơ béo phì. Béo phì, đặc biệt là tích tụ mỡ ở vùng bụng, là yếu tố nguy cơ lớn đối với bệnh tim và đột quỵ.

Theo Lê Cầm (TNO)

Có thể bạn quan tâm