(GLO)- Từ năm 2015, Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA) bước vào giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ sâu các dòng thuế theo nguyên tắc đã được các bên ký kết. Điều này giúp các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh có thể hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa so với các nước trong khu vực có cùng ngành hàng kinh doanh.
Theo Hiệp định ATIGA, các nước trong khối ASEAN sẽ xóa bỏ thuế quan đối với phần lớn các mặt hàng, trừ nông sản chưa chế biến đưa về 0-5%. Đối với nhóm 4 nước: Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, thuế suất được đưa về 0-5% đối với các mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm từ ngày 1-1-2009 và sẽ đưa về 0% từ ngày 1-1-2015. Hiệp định cũng quy định rõ số dòng thuế được lùi thời hạn xóa bỏ thuế quan đến 2018 với 4 nhóm nước (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam); đồng thời, cho phép tạm dừng hoặc điều chỉnh cam kết thực hiện nghĩa vụ cắt giảm, xóa bỏ thuế quan giữa các nước trong khối ASEAN. Phạm vi toàn diện của Hiệp định ATIGA sẽ góp phần làm minh bạch quá trình tự do hóa thương mại của khu vực.
Gia Lai đã xây dựng được thương hiệu hồ tiêu Chư Sê nổi tiếng. Ảnh: L.L |
Năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoạch định tầm nhìn ASEAN 2020 bao gồm ba trụ cột chính là Cộng đồng An ninh-Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASCC). Năm 2007, một lần nữa các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh lại cam kết này, đồng thời quyết định đẩy nhanh quá trình thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015. |
Theo nhận định của đại diện Hội Doanh nghiệp tỉnh, việc giảm thuế sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN. Tự do hóa thương mại trong ATIGA cũng đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá cả rẻ hơn, nguồn thiết bị, máy móc chất lượng tốt hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước. Các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh như: cao su, cà phê, tiêu... cũng sẽ có nhiều cơ hội được xuất khẩu ra các nước trong khu vực; thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm.
Trên thực tế, từ khi nước ta hội nhập sâu rộng với thế giới, xuất khẩu nông sản của tỉnh cũng đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Tỷ trọng xuất khẩu nông sản trong xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ổn định ở mức cao. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có quan hệ thương mại với hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các nhóm hàng thế mạnh như: cà phê, cao su, sản phẩm gỗ, xăng dầu, hàng tiêu dùng… được xuất sang các nước ASEAN với sản lượng lớn. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp Gia Lai có vốn đầu tư ra nước ngoài như Lào, Campuchia… thì việc mang những sản phẩm (đường, cao su…) về nước để chế biến rồi tái xuất hoặc bán trong nội địa sẽ thuận lợi hơn nhiều. Có thể nói hiệp định đã “gỡ” được nút thắt cho những doanh nghiệp này, không chỉ giảm áp lực tài chính do phải đóng thuế mà còn góp phần cung cấp cho thị trường trong nước nguồn hàng hóa dồi dào, thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển và tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người tiêu dùng.
Ông Lê Đình Hùng-Giám đốc Công ty 715-Binh đoàn 15 khẳng định: “Hiệp định ATIGA hoàn toàn không ảnh hưởng đến Công ty trong việc xuất khẩu cao su hay cà phê mà ngược lại sẽ càng thuận lợi hơn. Sản phẩm của Công ty cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực do giá nhân công rẻ, giá sản phẩm rẻ hơn”. Công ty 715 hiện đang quản lý gần 3.200 ha cao su và 260 ha cà phê. Trung bình mỗi năm, năng suất mủ cao su quy khô đạt khoảng 3.900 tấn, cà phê quả tươi khoảng 3.800 tấn. Sản phẩm mủ cao su và cà phê này chủ yếu xuất sang các nước trong khối ASEAN.
Hà Duy-Lê Lan