Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Kiểm soát chặt hàng hóa dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã dồn toàn lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó chú trọng các địa bàn nông thôn.

Hàng hóa dồi dào

Năm nay, dự báo tình hình mua sắm dịp Tết sẽ sôi động hơn so với năm trước do giá nhiều loại nông sản tăng cao. Theo dự báo của Sở Công thương, từ tháng 12-2024 đến 1-2025, sức mua hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm thiết yếu tăng khoảng 15-30%. Để đảm bảo nhu cầu hàng hóa, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có kế hoạch dự trữ thêm 10-30% khối lượng.

Bà Phan Thị Ánh Nhung-Chủ cửa hàng Hồng Nhung (07 Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) cho hay: “Mặt hàng bia, nước giải khát, bánh kẹo khá dồi dào. Hiện tại, giá hầu hết các mặt hàng ổn định. Người dân đã bắt đầu mua sắm nhiều. Chúng tôi chọn từ những nhà phân phối uy tín, hàng có bao bì nhãn mác rõ ràng, hóa đơn chứng từ đầy đủ”.

2vc.jpg
Chị Huỳnh Thị Như Ý (tiểu thương bán quần áo tại khu vực chợ Ayun Pa) đã nhập lô hàng quần áo Tết đầu tiên phục vụ nhu cầu khách hàng. Ảnh: Vũ Chi

Tương tự, chị Huỳnh Thị Như Ý-Tiểu thương bán quần áo tại khu vực chợ Ayun Pa-cho biết: Thời điểm này, người dân đến mua quần áo tại chợ Ayun Pa bắt đầu tăng lên. Mặt hàng bán chạy nhất chủ yếu là đồ ấm, phù hợp với thời tiết se lạnh.

“Thông thường, cửa hàng nhập 8-10 lô hàng phục vụ Tết. Các mặt hàng đều nhập từ các chợ đầu mối lớn như chợ An Đông (TP. Hồ Chí Minh), chợ Ninh Hiệp (TP. Hà Nội) đảm bảo nguồn gốc rõ ràng. Hiện giá các loại quần áo vẫn giữ ổn định. Chỉ những ngày cận Tết, do cước xe vận chuyển tăng thì giá quần áo mới nhích lên chút ít”-chị Ý chia sẻ.

Cũng trong không khí chuẩn bị cho năm mới, chị Ksor H’LiWa (buôn Plơi Apa Ama H’Lăk, xã Chư Mố, huyện Ia Pa) bộc bạch: “Năm nay, dịp lễ Giáng sinh với Tết gần nhau. Vì vậy, tôi tranh thủ sắm cho con vài bộ quần áo mới, còn thực phẩm giáp Tết sẽ mua.

Rút kinh nghiệm từ bạn bè chia sẻ, tôi chọn những cửa hàng có uy tín, khi mua hàng thực phẩm để ý nhà sản xuất, hạn sử dụng. Hy vọng tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại sẽ được các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”.

Tại các địa phương khu vực phía Đông tỉnh, hàng hóa nhập về phục vụ dịp Tết cũng khá dồi dào. Chị Nguyễn Thị Thanh Quyền-Chủ cửa hàng sữa bánh kẹo (phường An Phú, thị xã An Khê) chia sẻ: “Hàng năm, vào đầu tháng 11, tôi bắt đầu nhập hàng cung ứng thị trường Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Các loại hàng hóa như bánh kẹo, sữa, nước ngọt… tôi nhập từ những doanh nghiệp lớn có uy tín.

Kinh doanh ở đây hơn 10 năm, bán hàng chủ yếu cho người thân quen nên tôi chú trọng đến chất lượng, không bán hàng tồn, hàng hết đát. Tất cả các mặt hàng tôi đều ghi giá tiền cụ thể để người mua biết thông tin giá cả, các cơ quan chức năng dễ quản lý”.

33.jpg
Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra hàng hóa, nhu yếu phẩm. Ảnh: Ngọc Minh

Nỗ lực kiểm soát thị trường

Từ đầu năm đến nay, Đội Quản lý thị trường số 6 đã kiểm tra 154 cơ sở kinh doanh; phát hiện và xử lý 67 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 512 triệu đồng. Ông Nguyễn Bá Lương-Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, phụ trách địa bàn huyện Kông Chro và thị xã An Khê-cho biết: Theo quy luật, cứ vào dịp Tết, lợi dụng nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao, một số cơ sở, cá nhân kinh doanh trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng để tiêu thụ.

Trước tình hình đó, Đội bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, thực phẩm, đường cát, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại…

“Đội tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thường xuyên kiểm tra không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”-ông Lương thông tin.

kiem-soat-chat-hang-hoa-dip-tet-dd.jpg
Cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Ảnh: T.N

Theo ông Nguyễn Sang-Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích thị xã Ayun Pa: Cùng với việc kiểm soát hàng hóa, dịp Tết Nguyên đán tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và cháy nổ cao. Nhằm giảm thiểu các nguy cơ trên, Ban Quản lý dịch vụ công ích thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiểu thương trong chợ và các hộ dân kinh doanh gần chợ nâng cao ý thức chấp hành các quy định. Thông báo này được niêm yết trước phòng bảo vệ của chợ và tuyên truyền trên loa truyền thanh tại chợ mỗi ngày 2 lần.

Thời gian từ ngày 12-12 cho đến hết Tết Ất Tỵ. “Chúng tôi cũng khuyến cáo khách hàng khi mua hàng phải lựa chọn những cửa hàng, nhà phân phối uy tín, các sản phẩm có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng. Khi phát hiện trường hợp gian lận, kinh doanh hàng kém chất lượng thì cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý”-ông Sang cho biết thêm.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-thông tin: Lực lượng Quản lý thị trường tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm, địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm nhằm ngăn chặn hoạt động tàng trữ, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng đưa vào nội địa để tiêu thụ; kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

44.jpg
Hiện nay, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đã nhập số lượng hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân trong dịp Tết. Ảnh: V.T

“Qua theo dõi, giám sát các địa bàn quản lý cho thấy, mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử lại có bước tăng trưởng nhanh, người dân có xu hướng tiếp cận nền tảng này. Vì vậy, Cục đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc phối hợp cùng địa phương tăng cường công tác kiểm tra đối với dịch vụ chuyển phát để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm.

Đối với địa bàn nông thôn, các đội quản lý thị trường đã ra quân kiểm tra các chợ, cửa hàng để kiểm soát chặt chẽ, tránh việc lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao để trà trộn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”-ông Hà cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm