Kinh tế

Bài 1: Nợ thuế gia tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, nợ thuế trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn tồn đọng lớn và có xu hướng gia tăng, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý thuế.

Nợ thuế hơn 830 tỷ đồng

Đây là số nợ toàn tỉnh tính đến 30-9-2016, tăng 13% so với cuối năm 2015 (tương ứng 95,3 tỷ đồng). Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Gia Lai, có 9.845 hộ kinh doanh và 2.646 doanh nghiệp (DN) nợ thuế. Tỷ lệ nợ so với dự toán thu ngân sách năm 2016 là 10,1% (chỉ tính trên số nợ có khả năng thu so với tổng thu ngân sách). So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ đã giảm 4,4% nhưng vẫn còn cao so với chỉ tiêu 5% mà Tổng cục Thuế giao cho ngành Thuế tỉnh. Ước đến cuối tháng 12-2016, tổng nợ thuế là 795,7 tỷ đồng, tỷ lệ nợ là 8,2%. Về sắc thuế, thuế giá trị gia tăng và tiền phạt chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp đến là thuế thu nhập DN, các khoản thuế về đất, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên…

 

Tình hình hoạt động của nhiều DN còn khó khăn đã tác động lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Ảnh: T.N
Tình hình hoạt động của nhiều DN còn khó khăn đã tác động lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước. Ảnh: T.N

Ông Ksor Kut-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai cho rằng, nợ thuế tăng một phần do DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh; ngân sách chậm thanh toán vốn xây dựng cơ bản nên DN hoạt động trong lĩnh vực này chậm nộp thuế; hạn hán gây thiệt hại cho sản xuất. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông sản chiếm tỷ trọng lớn trên tổng nợ. Ngoài ra, tình trạng DN ngừng hoạt động, giải thể phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh ngày càng tăng cũng khiến nợ thuế tăng cao. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn phát sinh thêm nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhiều đơn vị phản ánh các mỏ chất lượng kém, chi phí vận chuyển cao, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lớn nên khai thác kinh doanh không có hiệu quả.

Cũng theo ông Ksor Kut, vấn đề nợ cũng có một phần nguyên nhân do tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thuế chưa cao, chưa đề xuất cách xử lý nợ thuế hiệu quả mà chỉ rập khuôn các biện pháp theo quy trình quản lý nợ thuế. Mặt khác, do địa bàn quản lý rộng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phân tán nên công tác quản lý thuế chưa hiệu quả.

 

Tính đến ngày 30-9-2016, trong 18 đơn vị quản lý thuế, số nợ thuế do Chi cục Thuế TP. Pleiku quản lý chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 440 tỷ đồng, tiếp đến là Cục Thuế tỉnh hơn 215 tỷ đồng, Chi cục Thuế huyện Chư Sê 60,6 tỷ đồng, Chi cục Thuế huyện Ia Grai 19 tỷ đồng, Chi cục Thuế huyện Chư Pưh 13,8 tỷ đồng, Chi cục Thuế huyện Chư Pah 12 tỷ đồng, Chi cục Thuế huyện Đak Đoa 11,8 tỷ đồng…

Tiền phạt tăng thêm số nợ

Trong tổng nợ 830,2 tỷ đồng, nợ có khả năng thu là 312,3 tỷ đồng, nợ chờ xử lý là 8,4 tỷ đồng và nợ khó thu là 509,5 tỷ đồng (chiếm 61,37% tổng nợ). Nợ khó thu có xu hướng tăng do tiền phạt chậm nộp (số tiền chậm nộp đối với nợ khó thu hàng tháng xấp xỉ 5 tỷ đồng) trong khi các khoản nợ này không nằm trong diện xóa nợ.

Ông Trần Quang Thành-Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Pleiku, cho biết: Chi cục đang theo dõi, quản lý thu thuế 2.054 DN, 7.300 hộ kinh doanh, 54.200 hộ nộp thuế phi nông nghiệp, 25.500 hộ nộp thuế nông nghiệp, 164 đơn vị thuê đất và thực hiện quản lý thu thuế các trường hợp phát sinh một lần như hồ sơ nộp lệ phí trước bạ, chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Nợ thuế chủ yếu là nợ khó thu, lại rơi vào những DN đã phá sản, bỏ trốn. Để giảm áp lực nợ thuế và không tăng tiền phạt, Chi cục đã kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền cho khoanh nợ (không tính phạt chậm nộp) đối với khoản nợ khó thu của các DN ngưng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng không làm thủ tục giải thể, phá sản.

Phân tích của ngành Thuế cũng cho thấy, một bộ phận người nộp thuế còn chây ì không nộp đúng hạn, để khoản nợ kéo dài. Trong khi đó, việc việc phạt chậm nộp tiền thuế thực hiện đồng loạt nên xử lý phạt chậm nộp đối với nợ khó thu là không khả thi, do không tìm được đối tượng để gửi thông báo phạt.

Thảo Nguyên
-----------------
Bài cuối: Khó thu hồi nợ

Có thể bạn quan tâm