Kinh tế

Bài 1: Quản lý, bảo vệ rừng- vấn đề cấp thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Toàn tỉnh hiện có 719.812 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 673.540 ha, còn lại là rừng trồng. Thực tế thời gian qua tài nguyên rừng luôn đối mặt với sự xâm hại đặt công tác quản lý, bảo vệ rừng trở thành vấn đề cấp thiết.

Quản lý bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ nặng nề phức tạp, luôn được tỉnh, các địa phương có rừng chỉ đạo quyết liệt. Các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các quy định quản lý bảo vệ rừng; xây dựng phương án-kế hoạch kiểm tra, truy quét nạn khai thác, vận chuyển mua bán, chế biến gỗ và động vật hoang dã trái phép trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Các lực lượng quản lý bảo vệ rừng duy trì cơ chế phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Môi trường tăng cường giữ rừng. Ngoài lực lượng chính là kiểm lâm, các chốt chặn kiểm soát lâm sản, đội kiểm lâm cơ động, UBND tỉnh đã thành lập thêm 2 đoàn kiểm tra liên ngành gồm lực lượng: Kiểm lâm, Công an, Quân sự, Quản lý Thị trường; thành lập mới 3 chốt chặn tại huyện Ia Grai, Chư Prông, Ia Pa để tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành rà soát, quy hoạch 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất, tạo điều kiện để lực lượng kiểm lâm tổ chức quản lý rừng, theo dõi diễn biến rừng hàng năm; đồng thời làm cơ sở cho việc khai thác sử dụng tài nguyên rừng.

Người dân ngang nhiên chặt phá rừng thông trồng trên 10 năm tuổi tại xã Ia Ka, huyện Chư Pah thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly. Ảnh: A.K
Người dân ngang nhiên chặt phá rừng thông trồng trên 10 năm tuổi tại xã Ia Ka, huyện Chư Pah thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly. Ảnh: A.K
Trong hàng loạt nỗ lực được thực thi, giải pháp giữ rừng tận gốc luôn giữ vai trò trọng tâm. Trên cơ sở rà soát đã xác định diện tích đất có rừng của tỉnh là 719.812 ha, trong đó rừng tự nhiên trên 673.540 ha, còn lại là rừng trồng, được giao cho 11 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp; 20 Ban Quản lý Rừng phòng hộ và UBND các xã quản lý, bảo vệ gắn với đẩy mạnh chủ trương giao rừng cho các hộ dân trực tiếp quản lý. Triển khai đề án thí điểm hỗ trợ người dân canh tác nông-lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy giai đoạn 2010-2012, tổng diện tích đất được giao cho 544 hộ dân sống gần rừng tại địa bàn 15 huyện là trên 864 ha. Trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan của tỉnh, huyện tích cực hỗ trợ nông dân chọn giống cây trồng phù hợp từng vùng đất đưa vào canh tác, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh tăng năng suất trên diện tích đất nương rẫy cố định, giúp nông dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, ít nhiều hạn chế tình trạng phá rừng, xâm lấn đất rừng trái phép. Tiến hành giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng là đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 304, khoán bảo vệ rừng có hưởng lợi theo Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích rừng được giao khoán là hơn 10.000 ha. Giao khoán bảo vệ rừng theo chương trình 5 triệu ha rừng bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 74.343 ha/năm, tổng số hộ sống gần rừng nhận khoán mỗi năm là 2.480 hộ.


Cùng với kế hoạch bảo vệ rừng tận gốc, công tác thanh-kiểm tra, đấu tranh phòng ngừa hành vi xâm hại rừng trái phép cũng được UBND tỉnh, các địa phương và lực lượng giữ rừng thực hiện quyết liệt. Ông Nguyễn Nhĩ-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định: Trên cơ sở xác định vùng trọng điểm xâm hại rừng trái phép là khu vực đường biên giới, giáp ranh tỉnh bạn, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo lực lượng trực thuộc, phối hợp các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh lâm sản vi phạm. Tổ chức thống kê đầu nậu gỗ, các tụ điểm kinh doanh mua bán, khai thác, chế biến sử dụng nguyên liệu từ rừng để xây dựng kế hoạch truy quét, quản lý phù hợp. Kết quả cho thấy: Từ năm 2005 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 10.761 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, xử lý hành chính 10.571 vụ, xử lý hình sự 119 vụ; số tiền phạt, bán tang vật, phương tiện tịch thu nộp ngân sách nhà nước 154 tỷ đồng.

Quang Văn-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm